Sermons in Vietnamese

Sermons in Vietnamese

April 3, 2025
Của Lễ Chay: Một Kiểu Chịu Khổ Của Chúa Jesus Sự Xức Dầu Không Có Men Không Có Mật Không Có Trái Đầu Mùa Muối Ngũ Cốc Nguyên Chất Và Ngũ Cốc Được Nghiền *Nguyên văn “typology” (tạm dịch là hình thể học). Theo Tự Điển Oxford Dictionaries, typology được định nghĩa là môn học nghiên cứu và phân tích bằng cách dùng sự phân loại (classification) theo kiểu, loại (type) nói chung, trong khảo cổ học, tâm lý học, hoặc các ngành khoa học xã hội (social science). Môn học nầy lúc đầu là nhằm nghiên cứu và giải thích các loại hình, kiểu mẫu, và biểu tượng (symbols) trong Thánh Kinh. ND. Sách Lê-vi Ký trong tiếng Hebrew là V’yekra hoặc “And Yahweh Called” (Và Đức Giê-hô-va Đã Kêu Gọi). Lê-vi Ký đoạn 2: “Khi nào ai dâng cho Đức Giê-hô-va một của lễ chay, thì lễ vật người phải bằng bột lọc có chế dầu, và để nhũ hương lên trên. Người sẽ đem đến cho các con trai A-rôn, tức những thầy tế lễ; thầy tế lễ sẽ lấy một nắm bột lọc chế dầu và hết thảy nhũ hương, đem xông làm kỷ niệm trên bàn thờ; ấy là một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va. Phần chi trong của lễ chay còn lại sẽ thuộc về A-rôn và các con trai người; ấy là một vật chí thánh trong các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Khi nào ngươi dùng vật chi hấp lò làm của lễ chay, thì phải lấy bột mịn làm bánh nhỏ không men nhồi dầu, và bánh tráng không men thoa dầu. Nếu ngươi dùng vật chiên trong chảo đặng làm của lễ chay, thì phải bằng bột mịn không pha men, nhồi với dầu, bẻ ra từ miếng và chế dầu trên. Ấy là của lễ chay. Nếu ngươi dùng vật chiên trong chảo lớn đặng làm của lễ chay, thì phải bằng bột mịn với dầu. Của lễ chay đã sắm sửa như cách nầy, ngươi sẽ đem dâng cho Đức Giê-hô-va, giao cho thầy tế lễ, và người sẽ đem đến bàn thờ. Thầy tế lễ sẽ lấy ra phần phải dâng làm kỷ niệm, xông trên bàn thờ; ấy là một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va. Phần chi trong của lễ chay còn lại sẽ thuộc về A-rôn và các con trai người; ấy là một vật chí thánh trong các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Hễ của lễ chay các ngươi dâng cho Đức Giê-hô-va, thì chớ dâng với men; vì các ngươi chớ dùng men hay mật xông với của lễ chi dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Các ngươi được dâng những vật đó cho Đức Giê-hô-va như của lễ đầu mùa; nhưng chẳng nên đốt trên bàn thờ như của lễ có mùi thơm. Phải nêm muối các của lễ chay; chớ nên dâng lên thiếu muối; vì muối là dấu hiệu về sự giao ước của Đức Chúa Trời đã lập cùng ngươi; trên các lễ vật ngươi phải dâng muối. Nếu ngươi dùng hoa quả đầu mùa đặng làm của lễ chay tế Đức Giê-hô-va, thì phải bằng gié lúa rang, hột lúa mới tán ra, đổ dầu vào và thêm nhũ hương. Ấy là của lễ chay. Đoạn, thầy tế lễ lấy một phần hột tán ra với dầu và hết thảy nhũ hương mà xông làm kỷ niệm. Ấy là của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va.” Hầu hết Cơ Đốc nhân đều có ý niệm rằng của lễ con sinh trong thời Cựu Ước là biểu tượng cho Chúa Jesus. Họ có thể biết chiên con lễ Vượt Qua, chiên con không tì vít là hình ảnh của Chúa Jesus; đối với Đức Chúa Trời, một Đấng vô tội đáng giá hơn tất cả mọi người tội lỗi và đó là cách Một Người có thể chết cho tất cả chúng ta. Nhiều người có thể cũng biết về của dâng trong Ngày Chuộc Tội; chúng ta đọc thấy điều nầy trong thơ Hê-bơ-rơ đoạn 9 đến 11. Thầy tế lễ thượng phẩm thật sự đặt tay lên đầu hai con dê, như biểu tượng cho tội lỗi đặt trên đầu chúng. Rồi họ sẽ dắt dê qua đường phố, nơi đó người ta sẽ khạc nhổ lên chúng, đá chân, ném đá vào chúng, đánh chúng bằng gậy và rủa sả chúng vì tội lỗi của họ. Rồi dê sẽ được hộ tống ra ngoài thành phố, nơi đó một con sẽ bị giết làm thịt và con kia sẽ được mang đến một vách núi đá. Đó là biểu tượng về những gì sẽ xảy ra với Chúa Jesus: Đức Chúa Trời sẽ đặt tội lỗi chúng ta lên Ngài; Chúa sẽ bị dẫn đi diễu hành qua đường phố Giê-ru-sa-lem, bị dắt ra ngoài thành phố và bị xử tử. Hầu hết Cơ Đốc nhân có ý niệm rằng huyết của lễ của các con sinh nầy là biểu tượng cho Chúa Jesus; tuy nhiên đa số họ đều không nghĩ về của lễ chay. Phao-lô, người mà tên thật là Ra-bi Sau-lơ ở Tạt-sơ, nói rằng, “chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rôm. 3:31) – năm sách của Môi-se (Kinh Torah, Ngũ Kinh) đã được làm trọn trong Chúa Jesus. Mọi việc đều chỉ về Ngài. Bạn có thể hiểu Phúc Âm và chỉ cần đọc Tân Ước bạn sẽ biết làm thế nào để được cứu. Nhưng để hiểu Phúc Âm ở mức độ sâu nhiệm hơn, để hiểu đầy đủ Phúc Âm, bạn phải hiểu Phúc Âm trong ánh sáng của bối cảnh Cựu Ước. Chúng ta phải hiểu Chúa Jesus đã làm trọn luật pháp như thế nào. Của Lễ Chay: Một Kiểu Chịu Khổ Của Chúa Jesus Của lễ chay ở đây là những gì chúng ta gọi trong tiếng Hebrew là matzoth – bánh không men. Có lẽ bạn đã từng thấy matzoth; vài Hội Thánh dùng matzoth, bánh thô cứng rất mỏng dùng cho lễ Tiệc Thánh. Nó được làm cho có vằn có sọc và bị chọc thủng; kinh Talmud (truyền thống Do Thái) quy định bánh không men được dùng cho lễ Vượt Qua phải làm như vậy. Các ra-bi nói với chúng ta rằng điều nầy phù hợp với thịt chiên con lễ Vượt Qua. Đó chính xác là những gì Chúa Jesus đã phán trong Giăng đoạn 6; là hình ảnh của thân thể Chúa. Vì vậy bánh được làm cho có vằn có sọc. Tiên tri Do Thái Ê-sai nói với chúng ta: “Bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh,” và “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết [bị đâm thủng].” Của lễ chay là biểu tượng sự hy sinh của Chúa Jesus cho tội lỗi chúng ta. Ngũ cốc có thể được dâng theo ba cách: Thứ nhất, nó sẽ được dâng trên lửa đang cháy, trên vĩ nướng. Thứ hai, nó sẽ được dâng trong chảo rán – loại chảo có tay cầm dài. Cách thứ ba sẽ là cách chúng ta gọi theo tiếng Hebrew là b’tanur; bên trong lò nướng. Ngũ cốc sẽ được dâng trên lửa đang cháy, ở chảo rán và trong lò nướng. Chúng ta là những sinh vật ba chiều, bởi vì chúng ta được tạo ra theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thân, hồn và linh. Đó là một trong những bản chất quan trọng dạy thể nào chúng ta được tạo dựng giống như ảnh tượng của Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một. “Ba thể” (threeness) trong chúng ta bày tỏ về ba thể trong Đấng Sáng Tạo chúng ta. Bởi sự kiện đó, chúng ta có thể thấy rằng khi chết cho tội lỗi chúng ta, Chúa Jesus phải chịu khổ trong thân, trong hồn và trong linh. Tội lỗi làm vấy bẩn mọi phương diện con người chúng ta; nó làm ô uế xác thịt (hay thân thể) chúng ta; nó làm hư hỏng tâm hồn (hay trí não, cảm xúc và khả năng hiểu biết) chúng ta và nó làm nhơ bẩn tâm linh chúng ta. Mọi phương diện con người chúng ta đã bị hạ bệ bởi vì tội lỗi. Vì thế, để cất đi tội lỗi chúng ta, Chúa Jesus phải chuộc tội trong thân, hồn và linh. Như vậy, của lễ chay thứ nhất được dâng lên trên lửa đang cháy. Khi ngũ cốc được dâng lên trên vĩ nướng, mọi người có thể thấy nó bị lửa phá hủy. Việc nầy phù hợp với thân thể chịu khổ của Cứu Chúa Jesus. Nơi đó Ngài gánh chịu sự hành hình của người La Mã, bị treo gần như lõa lồ trước công chúng; mọi người có thể thấy thân thể Chúa đang bị tra tấn. Khi họ đóng đinh Chúa trên thập tự giá, Ngài bị đóng đinh nơi đó vì tội lỗi chúng ta. Khi người La Mã quất mạnh roi vào Chúa và đặt mão gai lên đầu Ngài, đó là bởi vì Chúa gánh tội lỗi của tôi. Chúa Jesus mang những cây đinh, tôi có được sự cứu rỗi. Người công bình chết thay cho kẻ không công bình. Chúa chịu khổ trong thân thể; mọi người có thể thấy ngũ cốc bị cháy bùng lên. Sự đau đớn ghê gớm của Chúa không thể thốt nên lời. Tôi từng đọc bản tin của các nhà nghiên cứu bệnh học Cơ Đốc đã mổ xẻ khám nghiệm tử thi những người bị đóng đinh trên thập tự giá theo kiểu người La Mã và thật là khủng khiếp không thể tin nỗi. Ngay cả với kỹ thuật hiện đại, chúng ta cũng không thể tìm được cách nào ác độc hơn cách mà người La Mã đã giết Chúa Jesus. Tuy nhiên, ngũ cốc cũng được dâng lên ở chảo rán hoặc xoong. Khi ngũ cốc cháy trong chảo, chỉ thấy được một phần những gì đang xảy ra. Bạn có thể thấy vài việc đang tiếp diễn, nhưng bạn không thế thấy tất cả. Ngũ cốc nầy được đốt lên trong chảo, như theo Lê-vi Ký đoạn 2, phù hợp với tâm lý hay cảm xúc chịu khổ của Chúa Jesus; những gì mà Thánh Kinh gọi là “kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình” (Ê-sai 53:11). Khi ai đó đang chịu khổ về tâm lý hay cảm xúc – có lẽ họ chán nãn ngã lòng hay có tang chế hoặc bị áp bức – người khác có thể thấy một phần những gì đang xảy ra, nhưng không thể thấy hết. Bạn có thể thấy một phần ngũ cốc đang cháy trong chảo cách một khoảng. Để thấy tất cả, bạn phải trực tiếp đứng bên trên và nhìn xuống. Vì vậy khi ai đó đang chịu khổ về cảm xúc, dù họ chán nãn ngã lòng hay có tang chế hoặc đau buồn vì mất người thân yêu chưa được cứu, người khác có thể thấy phần nào người đó đang trải qua, nhưng chỉ Chúa nhìn xuống từ trên cao có thể thấy tất cả. Chúa biết mọi sự; người khác chỉ có thể hiểu rõ vài giá trị và có lẽ thấu cảm; nhưng Đức Chúa Trời thấy tất cả. Bạn thấy, Chúa Jesus đã gánh nỗi thống khổ chúng ta; Ngài chịu khổ về tâm lý. Chúa bị tra tấn về tinh thần và xúc cảm. Nhưng có cách thứ ba, ngũ cốc được đốt cháy bên trong lò nướng. Cách nầy không ai có thể nhìn thấy. Khi Chúa Jesus đi đến thập tự giá, việc gì đó đã xảy ra với chính Ba Ngôi Hiệp Một Đức Chúa Trời: Cha đã quay lưng lại với Con. Giờ đây, chúng ta phải cẩn thận; một tà giáo khủng khiếp có nguồn gốc từ Nam Mỹ hiện đã lan khắp thế giới mà truyền hình gọi là “Chúa Jesus Đã Chết Về Tâm Linh” (Jesus Died Spiritually). Họ cho rằng Sa-tan đã chiến thắng trên thập tự giá và khi Chúa Jesus chết, mặc dù chính Ngài phán: “Mọi việc đã được trọn” và “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” nhưng đã không xảy ra. Thay vào đó họ nói Chúa đã trở nên cùng một bản chất với Sa-tan dưới âm phủ, nơi Ngài bị tra tấn ba ngày ba đêm, cho đến khi Ngài được tái sanh – vẫn ở âm phủ. Điều nầy đã được dạy bởi nhiều diễn giả truyền hình nổi tiếng. Đó là một phần của “phúc âm tin vào sự giàu có” (faith prosperity gospel), nó cũng công bố rằng Cơ Đốc nhân không phải chịu khổ! Như vậy, bởi vì họ không nhìn xem thập tự giá của Chúa Jesus là tâm điểm của sự cứu rỗi, họ cũng không nhìn xem thập tự giá của Chúa Jesus là tâm điểm của đời sống Cơ Đốc. Thay vì “hãy vác thập tự giá mình mà theo Chúa và đặt đức tin mình vào một thế giới tốt hơn” thì niềm tin của họ gồm có “Ngươi là con Vua, Đức Chúa Trời muốn ngươi giàu có,” vân vân. Đây là một tà giáo gây kinh hoàng. Dĩ nhiên, Chúa Jesus đã đắc thắng trên thập tự giá, không phải ma quỷ. Tuy nhiên, có điều gì đã xảy ra ở lò nướng đó. Việc gì đó đã xảy ra với Đức Chúa Trời. Cha đã quay lưng lại với Con; Đức Chúa Trời không thể nhìn vào tội lỗi. Chúng ta không hiểu đầy đủ những gì đã xảy ra. Chúng ta không thể làm giảm bớt dù chỉ một giây đau khổ thể xác của Chúa Jesus; sự đau đớn cực độ về thể xác Ngài đã đến cùng tột. Chúng ta cũng không thể làm giảm bớt đau khổ về cảm xúc và tinh thần Ngài; việc đó cũng là thật. Nhưng sự đau khổ sâu xa hơn của Chúa Jesus là những gì xảy ra ở Ba Ngôi Đức Chúa Trời; Cha đã quay lưng lại với Con. Điều gì đã xảy ra bên trong lò nướng đó. Đức Chúa Trời có sự khủng hoảng ở chính Ngài, nơi Cha đã quay lưng lại với Con vì Con gánh tội lỗi chúng ta để cho chúng ta sự công bình của Ngài? Khủng khiếp thay sự chịu khổ thân thể Ngài, đau đớn thay sự dày vò xúc cảm Ngài, song điều xảy ra cho tâm linh còn tệ hơn. Chúa Jesus đã bị cắt khỏi Đức Chúa Trời trong một lát; vì tội lỗi của tôi và vì tội lỗi của bạn (Ês. 53:10; 54:7-8). Chúa đã chịu khổ trong thân, trong hồn và trong linh. Vì vậy ngũ cốc phải được dâng trên vĩ nướng, nơi mọi người có thể thấy; trong chảo rán, nơi có thể thấy một phần, chỉ quan sát đầy đủ từ bên trên và trong lò, nơi không ai có thể thấy. Sự Xức Dầu Giờ đây, ngũ cốc phải được rưới dầu, phải có dầu chế vào nó. Từ ngữ Hebrew căn bản để chỉ “dầu” là shemen; nói về sự xức dầu. Từ ngữ “Christ” đến bởi từ ngữ Hy Lạp là Christos. Đó là cách người Hy Lạp nói về từ ngữ Hebrew ha Mashiach, tức “Đấng Chịu Xức Dầu” hay Đấng Mê-si. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Jesus chịu xức dầu để chôn trước khi Ngài được xức dầu nhận quyền thế (Mác 14:8; Công 2:33). Khi nói về chứng cớ cho việc xức dầu và chức vụ của mình trong II Cô-rinh-tô, Phao-lô không nói trước tiên về dấu kỳ hay phép lạ của một sứ đồ. Ông nói về mình bị ruồng bỏ, đắm tàu, bị ném đá… vân vân (II Côr. 11 và 12). Chứng cớ đầu tiên và trước nhất của sự xức dầu thật sự là sự xức dầu đến từ Đấng Christ, là một đời sống bị đóng đinh. Đó là đời sống không tin vào thế gian nầy. Nhiều nhà truyền giáo trên TV khoác lác về việc chịu xức dầu vĩ đại của mình. Họ chỉ ra tiền bạc, xe hơi, … vân vân của họ như là dấu hiệu sự xức dầu và chúc phước của Đức Chúa Trời cho chức vụ họ. Thế gian thấy điều nầy và nhạo báng. Đó không phải là sự xức dầu; sự xức dầu là một đời sống bị đóng đinh, được sống bởi những người không tin vào cuộc sống hay thế gian nầy, nhưng tin vào ân điển của Đức Chúa Trời, vì ân điển để chịu khổ bất kỳ việc gì nếu đó là ý muốn Đức Chúa Trời; những người không yêu sự sống mình ở thế gian nầy, thậm chí nếu nó sẽ dẫn đến cái chết. Đó là chứng cớ thật của sự xức dầu. Chúa Jesus chịu xức dầu để chôn; dầu được rưới lên ngũ cốc. Dầu và nhũ hương; khi Chúa Jesus được sinh ra, các thầy bác sĩ ở đông phương đã mang vàng bởi vì Ngài là một vị Vua, một dược bởi vì Ngài sẽ chết (bạn nhớ, một dược được tẩm liệm cùng thi hài đã xức dầu để an táng, như chúng ta đọc trong Giăng 19:39) và nhũ hương bởi hương thơm, trong Khải Huyền, là lời cầu nguyện của các thánh đồ. Để hiểu ý nghĩa nầy, chúng ta hãy thoáng nhìn vào Nhã Ca 4:6. Chúng ta gọi Nhã Ca theo tiếng Hebrew là Hashir Hashirim và đó là lời nói bóng gió (allegory). Mối tình lãng mạn của Sa-lô-môm và nàng Su-la-mít là hình ảnh mối lương duyên Đấng Christ với nàng dâu Ngài. Chúng ta được kể trong Nhã Ca đoạn 4, câu 6: Ta sẽ đi lên núi một dược, I will go my way to the mountain of myrrh, Đến đồi nhũ hương, To the hill of frankincense Ở cho đến khi hừng đông lố ra, Until the cool of the day comes, Và bóng tối tan đi. When the shadows flee away. Chàng rể được xức dầu an táng để chết cho nàng dâu, để mang của lễ được chấp nhận lên núi một dược, núi mà chúng ta sẽ gọi là núi Calvary [Lu-ca 23:33 “Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó.” (when they were come to the place, which is called Calvary, there they crucified him - KJV). ND]. Như vậy, Chúa được xức dầu an táng, để mang của lễ được chấp nhận. Bạn thấy, bạn có thể cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện; hát thánh ca, hát thánh ca và hát thánh ca; và không có ý nghĩa gì cả. Trừ phi bạn ở trong Đấng Christ, trừ phi bạn được tái sanh, Đức Chúa Trời không thể chấp nhận sự thờ phượng của bạn. Chỉ những gì được làm trong Đấng Christ mới có ý nghĩa. Bạn có thể đi tất cả nhà thờ bạn muốn và điều đó là tốt, nhưng chưa đủ. Chỉ ở trong Đấng Christ mới có tính chất quan trọng. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục. Không Có Men Như vậy ngũ cốc được rưới dầu để mang sự thờ phượng được chấp nhận. Nó có dầu và có hương thơm; nhưng ngũ cốc không thể có mật hoặc men. Từ ngữ “matzoth” nghĩa là “bánh không men.” Tại sao bánh nầy, là hình bóng về thân thể Chúa Jesus, lại không có men? Men là gì? Thánh Kinh Tân Ước lập đi lập lại cho chúng ta cái gì là men. Trong I Cô-rinh-tô đoạn 5, Phao-lô nói với chúng ta như sau: “Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi” (câu 6-7). Men, hoặc bột nở, không đóng góp bất kỳ thứ gì vào giá trị dinh dưỡng của bánh. Nó chỉ làm dậy (nở phồng) đống bột lên; “Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu!” Điều đầu tiên là men nói về tội lỗi, nhưng đặc biệt là tội kiêu ngạo. Trong Ê-sai đoạn 14, Sa-tan muốn là Đức Chúa Trời; trong cõi đời đời, Sa-tan muốn tiếm đoạt vị trí của Đức Chúa Trời. Trong thời gian cám dỗ A-đam và Ê-va, tội lỗi đầu tiên của con người là kiêu ngạo. Cũng vậy, kiêu ngạo là tội lỗi đầu tiên dẫn đến các tội lỗi khác. Khi bạn thấy ai đó có vấn đề với thói hám danh lợi, thì kiêu ngạo ẩn bên dưới thói hám danh lợi đó. Khi bạn thấy ai có vấn đề với dục vọng không kiểm soát được, ẩn bên dưới dục vọng đó là kiêu ngạo. Khi bạn thấy ai có vấn đề với cơn giận dữ bất chính, quá đáng; ẩn bên dưới cơn giận dữ đó là kiêu ngạo. Kiêu ngạo là tội lỗi sinh sản; nó làm gia tăng tội lỗi khác. Điều duy nhất tôi phải kiêu ngạo là những gì Chúa Jesus đã làm cho tôi trên thập tự giá. Ngài đã gánh tội lỗi tôi và sống lại từ kẻ chết! Đó là điều duy nhất tôi phải kiêu ngạo. Tuy nhiên, Chúa Jesus là Đức Chúa Trời và Ngài không có tội lỗi. Chúa có mọi sự để kiêu ngạo; thế nhưng Ngài có điều để kiêu ngạo là không kiêu ngạo. Thật là một nghịch biện tuyệt diệu! Tôi không có điều gì để kiêu ngạo là phải chiến đấu với kiêu ngạo mỗi ngày, bạn cũng vậy. Chúng ta chiến đấu với nó mỗi ngày, nhưng Chúa Jesus thì không. Không có men trong bánh đó. Chúa Jesus phán: “Hãy cẩn thận về men của người Pha-ri-si” (Ma-thi-ơ 16:6, 11, 12; Mác 8:15; Lu-ca 12:1), đạo lạc. Khi bạn gặp tà giáo và đạo lạc thì đây là men của người Pha-ri-si. Đáng buồn thay đạo lạc nầy lan tỏa khắp Hội Thánh toàn cầu, họ cám ơn rộng rãi đến chương trình truyền hình “Cơ Đốc nhân” và tà giáo “tin vào sự giàu có.” Nó làm dậy lên; có sự kiêu ngạo. Họ tuyên bố: “Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho tôi,” “Tôi có thể làm việc nầy,” “chúng ta sẽ tiến lên phía trước và chinh phục thế giới” – kiêu ngạo thuộc linh. Hãy cẩn thận về men của người Pha-ri-si. Chúa Jesus không có đạo lạc, không có tà giáo. Mỗi lời Ngày dạy là một trăm mười phần trăm sự thật. Không có men trong bánh. Nếu có, Chúa sẽ không thể chết cho tội lỗi chúng ta. Một điều nữa: Đối với Đức Chúa Trời, một người vô tội đáng giá hơn tất cả người có tội. Bạn có tốt thế nào cũng không có ý nghĩa; bạn tốt không đủ để đi đến thiên đàng. Mặt khác, dù bạn xấu xa đến đâu cũng không quan trọng; bạn không quá xấu xa đến nỗi Đức Chúa Trời không yêu thương bạn và Chúa Jesus không thể gánh tội cho bạn rồi ban cho bạn sự sống của Ngài. Đó là Phúc Âm. Thật là khó khăn khi người ta lớn lên, nghe về điều đó trong toàn bộ cuộc sống mình; họ đi nhà thờ 20, 30, 40 năm và nghe sứ điệp nầy – hoặc các biến thể của sứ điệp – nhiều người trong họ có lẽ đã nghe hàng trăm lần. Thế nhưng họ vẫn chưa bao giờ được tái sanh; đó là bi kịch khủng khiếp. Gia đình tôi là người Do Thái; người Do Thái làm điều sai trái hơn dân tộc khác vì chối bỏ Phúc Âm, bởi Chúa Jesus là người Do Thái và bởi vì Phúc Âm đến từ nước Do Thái trước tiên. Trong sách Rô-ma có chép rằng Đức Chúa Trời bắt người Do Thái phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi vì sự cứu rỗi đã sẵn sàng cho họ đầu tiên, hậu quả của việc chối bỏ sẽ giáng trên họ trước nhất, chúng ta đã được xem trong sách Rô-ma. Cũng vậy, người đã nghe Phúc Âm nhiều lần chịu trách nhiệm nhiều hơn người không sống ở nơi Phúc Âm luôn sẵn sàng. Tôi chưa bao giờ biết gì về một Cơ Đốc nhân được tái sanh cho đến khi tôi vào đại học; tôi chưa bao giờ nghe một việc như vậy. Nhưng nhiều người lớn lên, nghe nhưng không chấp nhận Phúc Âm. Họ biết lẽ thật; hoặc ít ra lẽ thật luôn sẵn sàng cho họ. Tôi hầu việc Chúa ở Phi Châu, Ấn Độ, Trung Đông; tôi đi đến những nơi người ta chưa bao giờ nghe lẽ thật. Thế nhưng có người đi đến nhà thờ và nghe lẽ thật hết Chúa Nhật nầy đến Chúa Nhật khác, nhưng cuộc đời họ không hề thay đổi. Không có men – không có kiêu ngạo, không có đạo lạc – trong bánh không men đó. Một Người không có tội có thể chết cho tất cả mọi người có tội. Không Có Mật Nhưng cũng không thể có mật. Tại sao không thể có mật trong ngũ cốc đó? Thánh Kinh đã bảo cho chúng ta biết men là gì. Nhưng với mật thì có gì sai? Tại sao Đức Chúa Trời phán trong Lê-vi Ký đoạn 2 rằng chớ dùng mật trên ngũ cốc với của lễ dâng? Chúng ta phải luôn giải thích Thánh Kinh dưới ánh sáng của Thánh Kinh. Hãy xem Châm Ngôn 24:13 “Hỡi con, hãy ăn mật, vì nó ngon lành; tàng ong lấy làm ngọt ngào cho ổ gà con.” Mật thì ngọt. Chúng ta hãy hiểu tư tưởng người Do Thái trong quan niệm về mật: Mật, tiếng Hebrew gọi là devash, bởi vì nó đến từ chữ devorah (con ong). Tên người con gái “Deborah” nghĩa là “con ong” trong tiếng Hebrew. Nhưng từ ngữ Hebrew trong Thánh Kinh, Lời Đức Chúa Trời, dùng là devar. Trong ngôn ngữ Hebrew, một kết nối (hoặc mối liên hệ) từ nguyên giữa hai từ ngữ, thường cũng sẽ hàm ý một kết nối, một mối quan hệ thần học giữa hai từ ngữ đó. Lời Đức Chúa Trời ngọt ngào. Hãy nhớ trong sách Khải Huyền, hoặc Ê-xê-chi-ên đoạn 3, rằng ăn cuốn ấy (cuộn sách) trong miệng ngọt như mật, nhưng đắng trong bụng. Lời Đức Chúa Trời thì ngọt cho chúng ta; nếm thật ngọt ngào. Song Lời Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn ngọt ở miệng, lại đắng trong ruột chúng ta. Lời Chúa có thể rất thích thú và rất khích lệ; nhưng chúng ta cũng chịu trách nhiệm về Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ đơn giản làm gia tăng sự hiểu biết mà còn làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Lời Chúa ngọt trong miệng, nhưng đắng trong ruột. Bạn thấy, chúng ta chỉ thích các mảnh mật. Chúng ta không thích những miếng đắng. Người Do Thái đã vào trong xứ đượm sữa và mật; rồi ngày nào đó, chúng ta cũng vậy. Thiên đàng sẽ là xứ đượm sữa và mật; Đất Hứa. Con số Một là hình ảnh của số khác. Trên thiên đàng, mọi sự sẽ là yêu thương (an lạc). Tuy nhiên, lúc ấy chúng ta đã ra khỏi Ai Cập – hình ảnh của thế gian – và chúng ta lưu lạc trong đồng vắng. Sa mạc là nơi khó khăn. Ma-na rơi xuống cho dân Do Thái và ma-na ngọt như mật; giờ đây, ma-na rơi xuống và nếm ngọt như mật. Nhưng có vấn đề với mật. Không phải chính mật mà ở cách chúng ta dùng nó. Hãy xem Châm Ngôn 25:16 “Nếu con tìm được mật, hãy ăn vừa phải, kẻo khi ăn no chán, con mửa ra chăng.” Quá nhiều mật khiến chúng ta bệnh. Ngay chính tôi là người Ngũ Tuần/Ân Tứ (Pentecostal/Charismatic) rất thầm lặng, tuy vậy tôi chống lại mọi chủ nghĩa cực đoan. Nhưng tôi sẽ nói với bạn một trong những điều phong trào Ngũ Tuần đã đi sai và tại sao hầu như suốt 30 năm không mang lại sự phục hưng. Mọi sự đều dựa vào sự yêu mến, cảm giác và ý nghĩ tích cực. Họ chỉ muốn ngọt ở miệng mà không đắng trong ruột. Nhiều người Ngũ Tuần đã đi theo thần học kinh nghiệm thay vì thần học Thánh Kinh. Họ tạo ra học thuyết cho mình rồi đi theo, bởi vì họ cảm thấy tốt đối với họ; nó tương tự như tâm lý học thế tục. Sự cảm nhận – hệ số tốt: “Nếu cảm thấy tốt, nó phải là đúng.” “Hãy ăn những gì bạn cần” – bạn cần lượng mật nào đó. Tất cả chúng ta cần yêu mến; mật chỉ về sự yêu mến. Hai loại cha mẹ gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho cảm xúc và tâm linh con trẻ mình là những người quá nghiêm khắc và những người quá buông thả. Tôi có người chú trong quân đội và nhiệm vụ ông là huấn luyện binh sĩ cho chiến trường. Ông là quân nhân tốt; nhưng ông không thể tách rời cuộc sống chuyên nghiệp khỏi cuộc sống gia đình. Hậu quả là ông quá nghiêm khắc với con mình và đưa chúng vào khuôn phép như quân đội. Điều nầy đã gây tổn hại chúng và hết đứa nầy đến đứa khác đã đi sai đường. Cuối cùng, chúng phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống riêng mình, nhưng sự giáo dục chúng là quá nghiêm khắc. Bạn có biết rằng có những người cha chưa bao giờ ôm lấy con mình không? Thánh Kinh nói tình yêu thương của người cha còn hơn cả người mẹ, bởi vì Đức Chúa Trời là hình ảnh người cha. Nếu đứa trẻ chưa bao giờ chứng kiến tình yêu thương của người cha, việc thiếu sót đó sẽ làm mờ đi tầm nhìn của nó về Đức Chúa Trời. Những người cha phải bày tỏ sự yêu mến đủ nhiều cần thiết cho con mình. Thế nhưng, mặt khác, “hãy chỉ ăn lượng bạn cần;” đừng ăn uống quá nhiều. “Ôi, đừng đánh Henry bé nhỏ; Henry là cậu bé tốt;” cho đến một ngày, cảnh sát gõ cửa khi Henry không còn rất bé nhỏ - cũng không còn rất tốt nữa. Bạn tìm thấy mật chưa? Hãy ăn lượng bạn cần; chúng ta cần mật. Nhưng quá nhiều sẽ khiến chúng ta bệnh. Hãy cẩn thận về những người lãnh đạo bằng cảm xúc, họ thay thế tính chất tâm linh bằng cảm xúc và cảm giác. Sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời xác định những gì thuộc tâm linh; còn cảm giác của chúng ta thì không. Chúng ta hãy xem thêm Châm Ngôn 25:27 “Ăn mật nhiều quá lấy làm chẳng tốt; và cầu kiếm vinh hiển cho mình, ấy gây sự tổn hại.” Khi bạn thấy người ta ăn quá nhiều mật – người lãnh đạo bằng cảm xúc – thì đấy là kẻ kiêu ngạo thuộc linh. Họ đang tìm kiếm vinh quang cho riêng họ, họ tin rằng mình thuộc linh hơn những người khác quanh họ, họ giữ thái độ ta “thánh-hơn-ngươi” và đối với họ, cảm giác và cảm xúc sai trái trở thành tiêu chuẩn đánh giá tâm linh. “Ôi, chúng ta đừng xét đoán! Chúng ta đừng phê bình!” Gia đình riêng tôi là sự kết hợp của hai tầng lớp: Do Thái và Công Giáo. Chúng tôi có gia đình Do Thái, người trên đường xuống âm phủ không có Đấng Mê-si, thế nhưng có những Cơ Đốc nhân công bố yêu thương người Do Thái trong lúc lại từ chối cho họ Phúc Âm. Hiện nay có những tổ chức gọi chính mình là “Những Sứ Thần Cơ Đốc” (Christian Embassies), gồm có những người muốn mang người Do Thái trở lại nước Israel; thế nhưng họ giữ lại Phúc Âm nhân danh “tình yêu thương.” Thật ra điều họ nói là: “Hỡi người Do Thái, chúng tôi yêu thương bạn! Hãy cút xuống địa ngục!” Không, nếu bạn yêu người Do Thái, hãy nói cho họ về Đấng Mê-si. “Ôi, chúng tôi yêu thương anh em Công Giáo!” Mẹ tôi tin vào bức tượng Ma-ri cho sự cứu rỗi của mình thay vì tin Chúa Jesus; mẹ tôi đang trên đường đến âm phủ. Nếu chúng ta yêu thương người Công Giáo, chúng ta hãy nói cho họ Phúc Âm thật. Hoặc huyết của Đấng Christ tẩy sạch tất cả tội lỗi bạn hay bạn sẽ chuộc tội lỗi mình trong Ngục Luyện Tội; bạn sẽ tin vào phúc âm nào? Phao-lô nói rằng ngay cả thiên sứ Đức Chúa Trời đến giảng phúc âm khác, chúng tôi cũng từ chối. Không có Ngục Luyện Tội; chúng ta không chuộc tội lỗi mình, bởi vì huyết của Đấng Christ tẩy sạch tất cả tội lỗi. Thế nhưng nhân danh tình yêu thương, người ta công bố người Công Giáo là anh em, rồi bỏ họ làm tôi mọi ở trong sự sợ hãi cái chết. Đây không phải là tình yêu thương; tình yêu thương toàn hảo xua đuổi mọi sợ hãi. Chúa Jesus đã gánh lấy tội lỗi chúng ta; thế nhưng nhân danh tình yêu thương, Cơ Đốc nhân nào đó sẽ bỏ người ta trong cảnh tôi mọi đó. “Ôi, nhưng chúng ta phải yêu thương người Công Giáo!” Chắc chắn rồi; vì vậy chúng ta hãy nói với họ lẽ thật! “Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu” (Phi-líp 1:9). Bạn có thấy không? Yêu thương và tin cậy không tách biệt, nhưng phụ thuộc nhau. Song bởi vì phong trào Ân Tứ chạy theo mật thay vì ngũ cốc nên họ không còn biết điều nầy: “Hãy ăn lượng bạn cần; không quá nhiều.” Các chức năng của hồn là tâm, trí và cảm xúc. Tâm trí con người là đầy tớ rất tốt, song lại là chủ tồi. Cảm xúc con người cũng là đầy tớ rất tốt, nhưng là chủ tàn nhẫn, độc ác, gây chết chóc. Khi thấy ai đang suy nghĩ với cảm xúc và thay thế cảm giác họ cho Lời Chúa, bạn đang nhìn vào kẻ kiêu ngạo thuộc linh và người đó đang trên hành trình tự sát tâm linh. Họ cũng sẽ kéo người khác xuống với họ nếu được phép làm như vậy. Không, không có mật trên ngũ cốc đó. Không có cảm xúc nào dính dáng đến việc đóng đinh trên thập tự giá của Chúa Jesus. Cha đã quay lưng lại với Con Ngài. Không, tôi đã nhận lấy mật – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian…” – Tôi đã nhận lấy mật. Những cô gái tôi đã ngủ, ma túy tôi đã dùng – Chúa Jesus đã trả giá cho rồi. Chúa nhận lấy những cây đinh, Ngài bị đóng đinh trên cây vì những gì tôi làm và tôi đã nhận lấy mật. Chúa không lấy mật, không có mật trên ngũ cốc. Không Có Trái Đầu Mùa Không có mật và không có men. Lê-vi Ký 2:12, “Các ngươi được dâng những vật đó cho Đức Giê-hô-va như của lễ đầu mùa; nhưng chẳng nên đốt trên bàn thờ như của lễ có mùi thơm.” Tại sao ngũ cốc đầu mùa không được dùng làm của lễ chay? Hãy hiểu trái đầu mùa mang ý nghĩa gì, đó là ngày lễ Do Thái trong tuần lễ Vượt Qua vào tháng Tư. Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá thời gian đó; nhưng Chúa Nhật của tuần đó, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ đi vào trũng Kít-rôn, giữa đền thờ và núi Ô-li-ve. Chính xác lúc mặt trời mọc, khi thấy tia sáng đầu tiên ló lên phía sau núi Ô-li-ve soi rọi các cành non, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ trịnh trọng gặt ngũ cốc và mang vào đền thờ; đó sẽ là hoa quả đầu mùa. Cả bốn sách Phúc Âm đều cho chúng ta biết Chúa Jesus sống lại lúc sáng sớm; nói cách khác, chính vào lúc thầy tế lễ thượng phẩm mang hoa quả đầu mùa vào đền thờ, Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết như Trái Đầu Mùa của sự phục sinh. Đây là điều Phao-lô đã nói cho chúng ta trong I Côr. 15:20, “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” Chúa Jesus là Trái Đầu Mùa. Như vậy ngũ cốc đầu mùa không thể được đặt lên bàn thờ và dâng hiến. Tại sao? Bởi vì Chúa Jesus đã chết một lần và đủ cả. Một lần Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại từ phần mộ, Ngài sẽ không bao giờ chết lần nữa. Đây là lý do tại sao khi Môi-se đập vào hòn đá hơn một lần, ông đã không thể vào trong Đất Hứa. Điều đó cũng giống như đóng đinh Chúa Jesus lần nữa. Chúa đã chết một lần và rồi Nước Hằng Sống – Đức Thánh Linh – đã đến. Đây là lẽ thật quan trọng để hiểu sự sai trật của khối Công Giáo. Ngày nay có một nan đề lớn được gọi là ecumenism (hay ecumenicism, thuyết chủ trương kết hợp tất cả các tôn giáo toàn cầu lại với nhau). Giờ đây, để Cơ Đốc nhân được cứu kết hợp với Cơ Đốc nhân được cứu thì rất tốt. Tôi tán thành tất cả những người Báp-tít được tái sanh nhóm lại với những người Trưởng Lão được tái sanh và những người Ngũ Tuần được tái sanh (nếu họ không cực đoan). Tôi được đặc ân kết hợp những Cơ Đốc nhân được cứu. Nhưng khi Cơ Đốc nhân được cứu bắt đầu thông công với những người Tin Lành tự do, với những người chưa tin; khi những Cơ Đốc nhân được cứu bắt đầu thông công với Hội Thánh Công Giáo La Mã; thì đó là việc hoàn toàn khác. Nhưng ta hãy xem những gì được chép trong Hê-bơ-rơ 7:27 “Không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ.” Chúa đã chết một lần. Trong Hê-bơ-rơ 9:12, chúng ta đọc thấy điều tương tự: “Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.” Và trong Hê-bơ-rơ 9:28 “Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người.” Hê-bơ-rơ 10:10 “Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.” Hê-bơ-rơ 10:14 “Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” Một lần; nếu việc gì đó là toàn hảo, thì không cần phải cải tiến nữa. Chúa Jesus đã chết một lần và chỉ một lần. Vì vậy trong sách Cô-rinh-tô, Chúa là Trái Đầu Mùa. Chúa đã chết một lần, đã sống lại từ trong kẻ chết một lần, sẽ không bao giờ chết lần nữa, bởi vì sự hy sinh của Ngài là toàn hảo. Học thuyết về lễ Mass (lễ Mi-sa hay lễ Ban Thánh Thể) của Công Giáo La Mã phủ nhận điều nầy, công bố rằng lễ Mass cũng như tế lễ tại Gô-gô-tha và Chúa Jesus chết lần nữa và lần nữa và lần nữa. Học thuyết về lễ Mass của Công Giáo là sự phủ nhận cơ bản Phúc Âm của Đức Chúa Jesus Christ. Những người Cải Chánh, tất nhiên không phải là người toàn hảo. Luther, Calvin, Zwingly – họ đã phạm nhiều sai lầm và thậm chí họ còn bắt bớ những người Báp-tít. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ vốn là linh mục Công Giáo, đã được cứu sau khi đọc Thánh Kinh. Không chỉ họ xuất thân từ tăng lữ, mà còn ở giới trí thức của tăng lữ Công Giáo La Mã. Khi quay lại và đọc Thánh Kinh trong nguyên ngữ Hy Lạp, họ hiểu điều gì là sai. Mỗi người Cải Chánh là một linh mục Công Giáo đọc Thánh Kinh nguyên ngữ và được cứu. Những học thuyết (chân lý) đó không hề thay đổi: Chúa Jesus đã chết một lần đủ cả. Muối Ngũ cốc phải được nêm muối. Một lần nữa chúng ta trở lại với ý tưởng nầy về Ngôi Lời. Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời.” Chúa Jesus là Ngôi Lời và Thánh Kinh là Ngôi Lời. Ngôi Lời của Chúa là Chúa, có muối. Muối là chất bảo quản duy nhất họ có ở vùng Cận Đông xa xưa. Lời của Đức Chúa Trời – muối – bảo tồn. Quyền năng Chúa Jesus bảo tồn. Nếu một Hội Thánh ngừng truyền giảng Phúc Âm, cuối cùng Hội Thánh sẽ không thuộc người Tin Lành nữa. Nếu bạn từ bỏ Đấng Christ, cuối cùng bạn sẽ từ bỏ Lời Ngài và đó là nơi những người Tin Lành tự do đã đến. Họ “giữ hình thức tôn giáo, nhưng phủ nhận quyền năng trong đó.” Họ chỉ muốn giữ những lời dạy dỗ đạo đức của Thánh Kinh, quên đi mối liên hệ cá nhân với Chúa. Ngôi Lời là Ngôi Lời; một lần Ngôi Lời đến, Ngôi Lời cũng đến. Nói cách khác, một lần Chúa Jesus đến, sau đó Thánh Kinh đến. Tôi sống ở Anh Quốc. Bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh ở Westminster, London có khắc dòng chữ “pater nostra cuis en coeleas” (Cha chúng con ở trên trời), bởi vì nghị viện Anh được sáng lập bởi người Thanh Giáo tin Thánh Kinh. Song bên trong đầy dẫy những kẻ vô thần, hội viên Hội Tam Điểm (freemason),* người Hồi Giáo và gì nữa chỉ có Chúa biết. Tất nhiên họ không tin Thánh Kinh. *Hội Tam Điểm (Freemasonry) là một tổ chức kín mọc lên từ nguồn gốc mơ hồ vào cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Hội Tam Điểm giờ đây hiện hữu dưới nhiều hình thức khắp thế giới với số hội viên ước tính khoảng 5 triệu, gồm khoảng dưới 2 triệu ở Mỹ, 480.000 ở Anh, Scotland và Ireland. Họ chia sẻ dưới nhiều hình thức khác nhau các tư tưởng siêu hình và đạo đức. ND. Tại sao xã hội Anh Quốc lại sa sút đến thế? Tại sao có rất nhiều tội ác? Tại sao có những Cơ Đốc nhân được cứu, thậm chí còn được gọi là mục sư, lại ly dị và tái hôn? Muối đang mất đi vị mặn. Họ đang đi khỏi lời dạy của Thánh Kinh, bởi vì họ đi khỏi Chúa Jesus. Họ đã ra khỏi Lời, vì vậy họ ra khỏi Ngôi Lời. Chúa là Ngôi Lời; nếu bạn ra khỏi Thánh Kinh, bạn đã ra khỏi Đấng Christ. Thật là đơn giản. Muối bảo tồn. Ngay cả trong những cái gọi là Bible Belt,* vô luân, tội ác và ly dị trong cái gọi là Cơ Đốc nhân thật đáng kinh ngạc; thậm chí còn hơn như vậy bởi vì nó được chấp nhận. Khi đầu tiên tin Chúa, tôi chưa bao giờ nghe về một Cơ Đốc nhân ly dị hoặc tái hôn. Nếu có, nó phải xảy ra trước khi họ tin Chúa hoặc họ có người phối ngẫu chưa tin bỏ đi. Nếu không như vậy, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng giờ đây không còn ý nghĩa gì bởi muối đã mất đi vị mặn. *Bible Belt là từ không trang trọng chỉ một khu vực ở Hoa Kỳ trong đó giáo phái Tin Lành Trưởng Lão Bảo Thủ là phần chi phối về văn hóa và sự góp mặt của Hội Thánh Cơ Đốc qua các giáo phái cực kỳ cao. Có nhiều Bible Belt ở miền Nam. Người đầu tiên dùng từ Bible Belt là ký giả Mỹ tên H. L. Mencken đã viết trong tờ Chicago Daily Tribune năm 1924: “Tôi hoài nghi trò chơi cũ đang bắt đầu cử nhạc tiễn đưa trong Bible Belt” (The old game, I suspect, is beginning to play out in Bible Belt). ND. Ngũ Cốc Nguyên Chất Và Ngũ Cốc Được Nghiền Chúng ta hãy nhìn xa hơn, ngũ cốc đến theo hai cách. Bạn có ngũ cốc nguyên chất và rồi bạn có ngũ cốc được nghiền hoặc chưa giã kỹ. Khác nhau gì giữa ngũ cốc nguyên chất và ngũ cốc được nghiền? Tất cả là Lời Đức Chúa Trời, nhưng đến dưới hai hình thức: Khi Lời Đức Chúa Trời được dạy dưới sự xức dầu thật của Đức Thánh Linh, đó là ngũ cốc đã được nghiền ra. Đó là ai đó lấy ngũ cốc (Lời Chúa), nghiền ra (diễn giải) và mang cho người ta trong hình thức dễ tiêu hóa (dễ hiểu); việc đó là tốt. Nhưng ngũ cốc nguyên chất đến trước tiên. Không giáo viên Thánh Kinh nào, không quyển sách Cơ Đốc nào có thể thay thế việc đọc Lời Đức Chúa Trời cho chính bạn. Có ngũ cốc nghiền tốt; có những quyển sách tốt như Thiên Lộ Lịch Trình, The Screwtap Letters, các sách của A. W. Tozer và nhiều sách khác. Có nhiều ngũ cốc nghiền tốt; tuy nhiên, ngũ cốc nguyên chất đến trước tiên. Không lời dạy nào, không giáo viên, không băng ghi âm nào, không đĩa thu hình nào, không sách vở nào, không phương tiện thông tin đại chúng nào, có thể thay thế được việc đọc và học Thánh Kinh trong tinh thần cầu nguyện cho chính bạn. Ngôi Lời là Ngôi Lời; Ngôi Lời của Chúa và Chúa của Ngôi Lời. Ngài là Ngôi Lời; Ngài là ngũ cốc được dâng hiến theo ba cách: Ngài chịu khổ trong thân, trong hồn và trong linh khi Ngài gánh tội lỗi của chúng ta. Ngũ cốc đó được đốt bằng lửa đặt trên vĩ, trong chảo và trong lò nướng. Chúa được xức dầu để chôn trước khi được xức dầu để thống lãnh Vương Quốc. Không kiểu tóc lạ lùng của diễn giả TV, không lâu đài hoặc xe hơi to sang trọng Mercedes; chỉ có một đời sống bị đóng đinh là chứng cớ của việc xức dầu. Ngài đã dâng của lễ được chấp nhận cho Đức Chúa Trời. Không có mật; không có cảm giác yêu mến tại thập tự giá. Cha đã quay lưng lại với Con Ngài vì tội của tôi. Tôi đáng vào hỏa ngục, nhưng tôi đã nhận được cảm giác yêu mến. Chúa Jesus đã gánh tội lỗi của tôi để tôi không phải đi đến hỏa ngục. Không có men, không có đạo lạ; không có kiêu ngạo, không có tội lỗi; nhưng có muối, muối để bảo tồn. Ngũ cốc được nêm muối nầy sẽ bảo tồn cho xã hội, quốc gia, hệ phái, Hội Thánh, gia đình, đời sống của bạn và của tôi; muối bảo tồn. Ngũ cốc nguyên chất và ngũ cốc được nghiền ra; đó là những gì Đức Chúa Trời có cho chúng ta và là những gì Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta. Phúc Âm đang chờ đợi nơi đây và trong vài trường hợp cho mọi người, Phúc Âm đã hiện diện nơi đây với toàn bộ sự sống, nhưng chưa được chấp nhận. Tuy nhiên, Phúc Âm có thể được chấp nhận ngay hôm nay. Hỡi các Cơ Đốc nhân – hãy coi chừng vì quá nhiều mật. Đừng ngăn giữ cảm giác yêu mến, nhưng cũng đừng để nó không chế. Có nhiều lẽ thật được tìm thấy trong toàn bộ Thánh Kinh. Chúng ta giải thích Thánh Kinh Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước và chúng ta hiểu Thánh Kinh Tân Ước trong ánh sáng của Cựu Ước, bối cảnh người Do Thái. Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho bạn khi bạn khám phá hơn nữa về Đấng Christ trong Lời Ngài. Translator into Vietnamese: Daniel Nguyen 
April 3, 2025
Phần 1: Giới Thiệu Hai A-đam Lõa Lồ Và Lá Cây Vả Người Nam Và Người Nữ, Cả Hai Đều Sa Ngã Việc Xảy Ra Trong Vườn Con Rắn Và Người Nữ Ngã Xuống Tiếp Tục Phần 2 Midrash tiếng Hê-bơ-rơ, số nhiều là midrahim, nghĩa là “điều tra” hoặc “nghiên cứu,” là phương pháp giảng giải Thánh Kinh. Từ ngữ nầy cũng liên quan đến toàn bộ việc sưu tập tài liệu giảng dạy Thánh Kinh. Midrash là một cách giải thích các câu chuyện trong Thánh Kinh, ẩn chứa phía sau là những sự dạy dỗ về tôn giáo, luật pháp hoặc đạo đức. Trong bài nầy, midrash tạm dịch là giải thích. ND (người dịch). Giới Thiệu Chúng ta hãy cố giúp các Cơ Đốc nhân hiểu Thánh Kinh trong bản văn gốc của Hội Thánh vào thế kỷ thứ nhất, được Chúa thiết lập qua những tín nhân Do Thái. Chúng ta hãy thử đọc Thánh Kinh cùng cách với Hội Thánh Do Thái đầu tiên đã đọc. Có những người đã cố làm như thế trải nhiều thế kỷ. Chúng ta tin rằng việc nầy là quan trọng trong Những Ngày Sau Rốt để hiểu làm thế nào giải thích Thánh Kinh theo cách mà Hội Thánh thế kỷ đầu tiên đã làm. Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm câu chuyện “Chúa Jesus trong Vườn” ở bối cảnh Do Thái. Xin hãy mở sách Sáng Thế Ký đoạn 3. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta gọi sách Sáng Thế Ký là “Bereshit” nghĩa là “Ban đầu.” Sáng 3:5-6, Rắn bèn nói với người nữ rằng: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. Khi người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.” Chúng ta thấy ở đây, sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời, mà chúng ta được cảnh báo từ thư tín của Giăng (I Giăng 2:16). Sứ đồ Giăng, trước giả sách Khải Huyền và Tin Lành Giăng, cũng là trước giả của ba thư tín. Chúng ta tìm thấy các midrash (giải thích) về Sáng Thế Ký khắp nơi trong tác phẩm của ông; sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời là một ví dụ. Hai A-đam Một cách tổng quát, trong sự quản lý và kiểm soát của Đức Chúa Trời chỉ có hai con người: A-đam thứ nhất và A-đam sau cùng. Khi được sinh ra trong xác thịt, bạn được sanh bởi A-đam (thứ nhất). Khi được tái sanh, bạn được sanh bởi A-đam sau cùng, là Chúa Jesus. A-đam thứ nhì, Chúa Jesus, phải giống A-đam ở khía cạnh nào đó. Cả A-đam và Chúa Jesus đều được tạo dựng trực tiếp bởi Đức Chúa Trời không qua trung gian sinh sản và cả hai được tạo ra không có tội . Tuy nhiên A-đam thứ nhất đã sa vào trong tội lỗi. Trước khi có thể bước đến thập tự giá và gánh tội lỗi của chúng ta lên chính mình, Chúa Jesus phải đảo ngược những gì A-đam thứ nhất đã làm. Đó là lý do tại sao trong Mác đoạn 1, khi mô tả Chúa Jesus chịu cám dỗ, đoạn văn nói Ngài ở chung với thú rừng giống như A-đam vậy. Bức tranh Chúa Jesus trong tính cách A-đam đã được vẽ lên nơi đây. Rồi Sa-tan đến với Chúa Jesus đưa ra ba cám dỗ tương tự như cám dỗ mà A-đam và Ê-va đã sa ngã: Sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời. Điều A-đam thứ nhất sa vào, A-đam thứ nhì đã không phạm đến. Trước khi bước đến thập tự giá, Chúa Jesus phải chiến thắng điều mà A-đam thứ nhất không thể vượt qua nỗi. Lúc đó và chỉ lúc đó Ngài mới có thể đi đến thập tự giá. Đó là lý do tại sao đoạn văn nói rõ: “Và Sa-tan rời khỏi Ngài cho đến thời điểm thích hợp.” Tại cuộc chạm trán đầu tiên, Sa-tan phải cố để làm cho Chúa Jesus phạm vào tội lỗi như A-đam thứ nhất. Tại cuộc chạm trán thứ nhì, Chúa Jesus có thể và đã gánh tội lỗi chúng ta. Chúa Jesus không thể đi đến thập tự giá nhân danh (thay cho) chúng ta cho đến khi Ngài đảo ngược lại được những gì A-đam thứ nhất đã làm; cho đến khi Ngài vượt qua nơi A-đam thứ nhất đã thất bại. Tại điểm nầy, chúng ta sẽ xem xét thật kỹ cụm từ “biết” (to know): tiếng Hê-bơ-rơ, “biết” là la daot và từ Hy Lạp là gnosco. Con rắn đã ở trong vườn khi A-đam và Ê-va được bảo hãy làm cho đất phục tùng; họ luônbiết ma quỷ hiện hữu và muốn biết cách khách quan nó là gì, nhưng họ không biết rằng nó ở trong chính họ . Họ không biết nó dựa trên kinh nghiệm, mặc dù họ biết nó hiện hữu. Chúng ta biết rằng Cây Sự Sống đã có trong Vườn Ê-đen; Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác cũng ở đó. A-đam và Ê-va đã chọn giữa các cây nầy: Cây Sự Sống hoặc Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Họ đã chọn để thử làm chúa của mình, để giành được sự hiểu biết mà họ không cần phải có. Họ biết ma quỷ hiện hữu, nhưng họ không biết nó ở trong chính họ. Để hiểu điều nầy, chúng ta phải thấu đáo được những loại hiểu biết khác nhau, mà chúng ta có hai ví dụ trong Thánh Kinh. Ví dụ thứ nhất được tìm thấy trong thầy tế lễ thượng phẩm vào Ngày Đại Lễ Chuộc Tội: Chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mới có thể vào Nơi Chí Thánh và ngay cả ông ta cũng chỉ vào được một lần mỗi năm vào ngày Yom Kippur, Ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Tuy nhiên, bất cứ người Do Thái nào cũng có thể đọc sách Lê-vi Ký và biết những gì bên trong Nơi Chí Thánh. Anh ta có thể đọc mô tả về đồ đạc, bánh trần thiết, Hòm Giao Ước,... vân vân, và theo đó anh biết những gì ở nơi ấy. Dầu vậy, chỉ thầy tế lễ thượng phẩm mới có thể tận mắtnhận biết những gì ở đó, cũng như được đi vào bên trong, bởi vì ông được chọn ra cách đặc biệt cho việc nầy. Ông được thánh hóa hoặc biệt riêng ra cho mục đích đó: Tiếng Hê-bơ-rơ là me kudesh. Các từ Hê-bơ-rơ “biết,” “thánh hóa,” cũng như “biệt riêng ra” – La daot và Le Heet kodesh – thường đi với nhau trong Thánh Kinh. Bất cứ ai cũng có thể biết những gì bên trong Nơi Chí Thánh, song chỉ có người được thánh hóa cho mục đích nầy mới tận mắt nhận biết những gì Nơi Chí Thánh, cũng như được đi vào đó. Lần khác hai từ ngữ nầy được dùng đề cập đến mối quan hệ với nhau trong hôn nhân thánh. Ai cũng có thể lấy sách giáo khoa sinh học và quan sát thân thể người nữ: Người ta có thể nhìn các biểu đồ, hình ảnh về buồng trứng, vòi Pha-lốp, tử cung hoặc bất kỳ khía cạnh nào về cơ thể học người nữ; tất cả có trong sách giáo khoa. Ai cũng có thể biết cơ thể người nữ gồm có những gì. Tuy nhiên ở đây từ Hê-bơ-rơ dùng cho “kết hôn” có nghĩa là “làm nên thánh, thánh hóa.” Trong đám cưới người Do Thái, bạn nói “Me kudesh” hoặc “với chiếc nhẫn nầy, anh (em) kết hôn với em (anh).” Theo nghĩa đen đó là “thánh hóa,” biệt riêng ra theo luật của Môi-se và Israel. Từ ngữ dùng cho “kết hôn” và “nên thánh” thì giống nhau. Từ Hê-bơ-rơ dùng để chỉ việc “đã qua đêm tân hôn” [bắt đầu việc quan hệ tình dục] là “biết.” Ai cũng có thể biết những gì bên trong thân thể người phụ nữ; nhưng chỉ có người nam được thánh hóa cho mục đích nầy (chồng) mới (tận mắt) nhận biết được những gì ở đó cũng như được đi vào bên trong. Cùng một thể ấy, ai cũng có thể biết những gì bên trong Nơi Chí Thánh, nhưng không ai ngoài thầy tế lễ thượng phẩm mới (tận mắt) nhận biết được những gì ở đó, cũng như được đi vào bên trong. Tương tự với từ Hy Lạp “gnosko.” A-đam và Ê-va luôn biết có ma quỷ và đã có ma quỷ. Họ luôn biết những vật phải làm cho đất phục tùng, dù chưa từng thốt ra. Họ luôn biết cách khách quan, nhưng chưa trải qua kinh nghiệm. Họ biết, nhưng như thể là không biết. Lõa Lồ Và Lá Cây Vả “Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” Sự lõa lồ trong Thánh Kinh không có nghĩa đơn giản là không mặc quần áo. Vâng, A-đam và Ê-va thật ra là lõa lồ, nhưng nó có ý nghĩa còn hơn việc đó. Hãy nhớ đến Hội Thánh Lao-đi-xê trong Khải Huyền: “Ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và lõa lồ” (Khải 3:17). Như Ê-sai nói, sự lõa lồ tượng trưng cho việc không có áo cứu rỗi (Ês. 61:10). A-đam và Ê-va biết rằng giờ đây họ cần được cứu, bởi vì họ đã phạm tội. Vì vậy, sau khi phạm tội, họ kết lá cây vả lại với nhau. Hãy nhớ vật chúng ta thấy trong Sáng Thế Ký và trong Khải Huyền là cây vả. Trong Khải Huyền, bản văn mô tả lá cây vả dùng để chữa lành cho các dân (Khải 22:2); cho nên trong Thánh Kinh, lá cây vả là hình bóng hoặc biểu tượng cho việc lành . A-đam và Ê-va kết lá vả lại với nhau và cũng vậy, kẻ sa ngã sẽ luôn luôn cố tự bào chữa trước Đức Chúa Trời Thánh Khiết với việc lành. Mọi tôn giáo trên đất đều đối nghịch hoàn toàn với Phúc Âm. Khi Đức Chúa Trời – cũng là Chúa Jesus – thấy A-đam và Ê-va trong Vườn mặc khố bằng lá cây vả, Ngài không chấp nhận lá vả và phán rằng phải có huyết chuộc tội để tẩy xóa tội lỗi. Tôn giáo là con người cố đến với Đức Chúa Trời bằng việc lành; Phúc Âm là Đức Chúa Trời đang cố đến với con người. Một lần nữa, tôn giáo đối nghịch với Phúc Âm, dù mang bất kỳ hình thức nào. Không có gì khác nhau, khi đó là các tín hữu Chứng Nhân Giê-hô-va phải dành số giờ nào đó mỗi tuần để gõ cửa, Chính Thống giáo Do Thái cố giữ luật pháp và truyền thống, lời cầu nguyện giáo nghi kể lể thuộc lòng của người Công Giáo hoặc người Hồi Giáo thực hiện chuyến hành hương đến Mecca (mọi người Hồi Giáo đều ước ao trong đời mình ít nhất một lần được hành hương đến Mecca, nay là thủ đô của Saudi Arabia. ND). Mọi tôn giáo đều dựa vào việc kết lá vả lại trong nỗ lực vô ích để biện minh trước Đức Chúa Trời. Dù vậy, tuyệt đối không có sự bảo đảm cứu rỗi nào trong đó. Ngược lại, Thánh Kinh nói trực tiếp cho chúng ta rằng: “mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp” (Ês. 64:6). Cơ Đốc nhân không làm việc lành để được cứu; đúng ra những Cơ Đốc nhân thật sự làm việc lành bởi vì đã được cứu . Đó không phải là sự công bình của chúng ta, bèn là sự công bình của Đấng Christ ở trong và qua chúng ta. Điều đó hoàn toàn khác với tôn giáo bởi con người tạo ra. Chúng ta làm việc lành bởi vì chúng ta đã được cứu, không phải bởi nỗ lực để giành được sự cứu rỗi cho chính mình. Việc nầy dẫn đến lý do tại sao Chúa Jesus rủa cây vả: Nó có lá nhưng không có trái; cũng một thể ấy, Israel có việc công bình dựa vào việc tuân thủ luật pháp, nhưng không có trái Thánh Linh (Mác 11:12-21). Chúng ta nên hiểu rằng lá tất nhiên là quan trọng; ở Trung Đông mặt trời rất nóng, không có lá trái sẽ bị phá hủy. Riêng trên cây vả, trái mọc dưới lá. Tuy nhiên, khi Chúa Jesus rủa cây vả nầy, đoạn văn nói rõ rằng chưa đến mùa vả. Lời cảnh báo chúng ta phải nhận ra từ việc nầy là “Con Người đến vào giờ bạn không mong đợi,” chúng ta phải sống trong sự sẵn sàng vào mọi thời điểm. Một lần nữa, không có lá trái sẽ bị phá hủy; như Gia-cơ nói với chúng ta: “Đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.” Không có gì sai với lá, nhưng vấn đề là bạn không thể ăn chúng. Bạn cần lá, nhưng những chiếc lá đẹp nhất cũng không thể thay cho việc thiếu quả. Chúng ta được bảo rằng chúng ta sẽ biết con người bởi việc làm của họ, nhưng chúng ta biết họ bởi kết quả của họ. Nên ghi nhận, việc làm có thể là chứng cớ của kết quả, bởi vì thông thường lá xuất hiện khoảng cùng lúc với trái; nhưng quá nhiều lá không bảo đảm bạn sẽ tìm thấy quả. A-đam và Ê-va đã kết lá vả lại, cũng như ngày nay mọi tôn giáo vẫn làm. Có nhiều “hội thánh” phi Tin Lành (nguyên văn là “non-evangelical” – phi Phúc Âm, phi Tin Lành – không phải Tin Lành. ND), nghĩ mình là Cơ Đốc nhân. Nếu bạn hỏi họ: “Làm cách nào anh đến được thiên đàng?” Họ sẽ nói với bạn rằng có đủ việc lành trội hơn việc dữ, hoặc điều gì đó tương tự. Họ làm gì để che giấu sự lõa lồ của mình? Họ kết lá vả lại. Họ làm gì tại lễ Mi-sa? Họ kết lá vả lại. Họ làm gì khi đến nhà thờ Hồi Giáo hoặc lăng mộ? Họ kết lá vả lại. Mọi tôn giáo đều kết lá vả lại, thậm chí cho dù nó vô ích trong việc đạt đến sự cứu rỗi. Đối với việc đó, cần phải có huyết chuộc tội. Như thế câu chuyện tiếp tục: “Lối chiều, [bản Thánh Kinh Việt ngữ dịch theo bản tiếng Pháp: “Le soir, quand souffe la brise, …” (Lối chiều, khi gió thổi nhè nhẹ.…). Ở đây tác giả dùng bản Anh ngữ King James Version: “And they heard the voice of the Lord God walking in the garden in the cool of the day ” (lúc mát mẻ trong ngày,…). ND] nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn.” Từ Hê-bơ-rơ dùng cho “mát mẻ” (cool) cũng là từ Hê-bơ-rơ dùng cho “gió nhẹ” (breeze) hoặc “gió” (wind), ruach. Từ Hê-bơ-rơ dùng cho “gió nhẹ” (breeze) cũng là từ Hê-bơ-rơ dùng cho “linh” (spirit): pneuma trong tiếng Hy Lạp, ruach trong tiếng Hê-bơ-rơ. Vậy trong bản văn Hê-bơ-rơ hàm ý rằng bạn có ở đây sự hiện diện của Đức Thánh Linh. “A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu?” Chúng ta ghi nhận rằng ở đây nói về “bụi cây trong vườn” liên quan đến Ngày Sau Rốt, Chúa Jesus không bao giờ bảo chúng ta phải học ẩn dụ về cây vả. Khi bạn đọc nó trong Lu-ca, thật ra Ngài bảo: “Hãy học ẩn dụ về cây vả và các cây khác,” hoặc “và tất cả các cây” (Lu. 21:29). Đây không phải là đề tài của chúng ta hôm nay, ngẫu nhiên tôi chỉ ra để nói rằng có nhiều ẩn dụ về cây vả hơn những Cơ Đốc nhân hiểu biết nhất. Thật vậy, ẩn dụ về cây vả và các cây khác được tìm thấy trong sách Các Quan Xét đoạn 9. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục: Người Nam Và Người Nữ, Cả Hai Đều Sa Ngã Giờ đây chúng ta thấy tính cách các nhân vật được giới thiệu trong Vườn; thứ nhất và trước hết, chúng ta có Đức Chúa Trời ở hình dạng Chúa Jesus, Christophany [biểu lộ tiền thân của Đấng Christ]. Chúng ta có Sa-tan trong cung cách của hắn là kẻ lừa dối, rồi người nam lõa lồ. Đến lúc nầy, chúng ta có ba nhân vật: Đức Chúa Trời, Sa-tan và người nam lõa lồ. Chúng ta hãy tiếp tục với đoạn văn: “A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình.Đức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ? Ngươi có ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn đó chăng?” Chúng ta nghe như thể Đức Chúa Trời không biết; dĩ nhiên, Chúa biết, nhưng Ngài đang thử thách A-đam. “Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” Hãy ghi nhận mặc dù Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri, đã biết ai ăn đầu tiên, Ngài không đi đến Ê-va mà đến A-đam. Nếu điều gì đó Đức Chúa Trời ngăn cấm, sai trái trong hôn nhân của tôi hay gia đình tôi, hoặc của bạn hay gia đình bạn; hỡi các quý ông, có thể không phải lỗi chúng ta, nhưng đối với Chúa, nó là vấn đề của chúng ta; người nam có thẩm quyền Đức Chúa Trời trong mối quan hệ đó. Trong Thánh Kinh, mỗi lần người nam cho phép người nữ nắm quyền lãnh đạo thuộc linh ắt sẽ có tai họa. Áp-ra-ham và Sa-ra hoặc A-háp và Giê-sa-bên là hai ví dụ. Điều nầy cũng đúng cho Vườn Ê-đen và cũng là một trong các trò gian trá xưa cũ nhất của Sa-tan. Tại sao việc lãnh đạo Hội Thánh ngày nay gặp quá nhiều sai lầm? Chúng ta sẽ thấy điều đó trong chốc lát, nhưng hãy tiếp tục. Người nam nói trong câu 12: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: Vì mầy đã làm điều như vậy, mầy sẽ bị rủa sả trong vòng các loài súc vật, các loài thú đồng, mầy sẽ bò bằng bụng và ăn bụi đất trọn cả đời. Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” – Bởi vì sự phục sinh. “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn,...” Hãy ghi nhận rằng lời rủa sả giáng trên Sa-tan thứ nhất, người nữ thứ nhì và người nam thứ ba. Sa-tan trước tiên, thứ đến người nữ và người nam sau cùng; phán quyết được ban ra theo trình tự của tội lỗi. Bởi sa ngã, người nam đã trở nên vô tình. Cũng bởi sa ngã, người nữ trở thành quá dễ xúc cảm. Khi cả chồng và vợ được cứu, thì hầu như là người vợ được cứu trước. Không phải luôn như vậy, nhưng có lẽ ít nhất 75% trường hợp là người vợ được cứu trước. Nếu người chồng được cứu trước, 75% trường hợp người vợ cuối cùng cũng được cứu; như nước mang hình dáng của vật chứa nó. Tuy nhiên, nếu người vợ được cứu trước, thì thường tình trạng khó khăn nhiều hơn. Người phụ nữ Cơ Đốc thường đau khổ nhiều năm về người chồng chưa tin của mình. Tại sao phụ nữ dễ tin Chúa hơn? Bởi vì họ dễ xúc cảm hơn. Khi chồng và vợ cùng cầu nguyện về một vấn đề, người vợ thường nghe từ Chúa trước và rõ ràng nhất; bởi sa ngã, người nam hay dựa vào tính nhạy cảm của nữ giới. Mặt khác, trong lúc phụ nữ thường dễ nghe tiếng Đức Thánh Linh hơn, thì họ cũng thường dễ nghe linh giả mạo và rồi bị lừa dối bởi cám dỗ thuộc linh hơn. Người nữ dễ bị tấn công với cám dỗ thuộc linh nhiều hơn người nam. Vì vậy, như người nam dựa vào tính nhạy cảm của nữ giới, người nữ cũng nhờ cậy vào sự bảo vệ của nam giới. Sự phục tùng trong hôn nhân Cơ Đốc là phục tùng lẫn nhau, nhưng theo những cách khác nhau; đó là bình đẳng trong những trách nhiệm khác nhau, song chuyện ba hoa khoác lác dừng lại với đàn ông. Người nữ dễ bị tấn công với cám dỗ thuộc linh hơn, trong lúc người nam dễ bị nguy hiểm hơn với việc không nghe gì hết. Đó chỉ là tình trạng trong thế giới sa ngã của chúng ta. Có thể có xu hướng về phía đó trước khi con người sa ngã, nhưng sự sa ngã mang nó đến những gì hiện hữu giờ đây. Việc Xảy Ra Trong Vườn Kế tiếp, Đức Chúa Trời phái thiên sứ đến và đuổi loài người ra khỏi vườn: “Hãy ra khỏi đây. Ngươi không được vào nữa.” Ở đây chúng ta được giới thiệu nhân vật thứ tư, thiên sứ, kẻ nói “Hãy ra khỏi.” Trong vườn nầy, con người sa ngã. Trong vườn nầy, Đức Chúa Trời công bố lời rủa sả trên người nam và người nữ. Trong vườn nầy, thiên sứ nói: “Đừng vào đây nữa.” Trong vườn nầy, người nam lõa lồ trước mặt Đức Chúa Trời. Thế nhưng trong vườn nầy, cũng có lời hứa về sự cứu rỗi: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.” Ê-va tượng trưng cho Israel và mở rộng cho Hội Thánh. Hội Thánh là nàng dâu của Đấng Christ và Israel là người nữ của Đức Chúa Trời. Con Rắn Và Người Nữ Chủ nghĩa bài Do Thái và sự bắt bớ tín hữu Hội Thánh là đầu và đuôi, là hai mặt của một đồng xu. Chúng ta có thể phân biệt giữa hai, nhưng không thể tách rời chúng. Kế hoạch của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi thế gian phụ thuộc vào lời tiên tri của Ngài cho Israel, người Do Thái và tín hữu Hội Thánh. Hai loại người mà Thánh Kinh gọi là con Áp-ra-ham là người Do Thái và tín hữu Hội Thánh. Sự trở lại của Đức Chúa Jesus Christ dựa vào chương trình báo trước của Đức Chúa Trời cho Israel, cho người Do Thái và tín hữu Hội Thánh. Vì thế, người Do Thái và tín hữu Hội Thánh có cùng kẻ nghịch thù. Bạn nghĩ tại sao người Hồi giáo ghét Israel và ghét nước Mỹ? Có phải là thuần túy chính trị? Không. Có lý do thuộc linh. Vào thời điểm nầy trong lịch sử, nước Mỹ là trung tâm của Cơ Đốc giáo, như nước Anh một, hai trăm năm trước và như Đức và Thụy Sĩ trong thời kỳ Cải Chánh. “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.” Hãy nhìn vào nước La Mã ngoại giáo: Thứ nhất, họ chống lại Hội Thánh dưới thời Nê-rô. Vài năm sau, họ trở nên thù địch với người Do Thái dưới thời Titus. Suốt những thế kỷ của tòa án dị giáo, các cuộc hành quyết người Do Thái, những cuộc thảm sát – Hội Thánh Công giáo La Mã đã bắt bớ ai nhiếu nhất? Người Do Thái và những Cơ Đốc nhân được tái sanh. Người Palestine đã nói gì tại các cuộc tập họp đông đảo của họ? “Trước hết là người Do Thái, rồi đến Cơ Đốc nhân. Thánh chiến! Thánh chiến!” [Nguyên văn “First the Saturday people, then the Sunday people. Jihad! Jihad!” – Saturday people, ý nói đến người Do Thái (người giữ ngày Sa-bát, Thứ Bảy, làm ngày thánh). Sunday people, ý nói đến Cơ Đốc nhân, giữ ngày Chúa Nhật làm ngày thánh. ND]. Nói cách khác, trước hết chúng giết người Do Thái và rồi chúng giết Cơ Đốc nhân. Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Tất cả đều xảy ra trong vườn. Với điều nầy trong ý nghĩ, chúng ta hãy nhìn vào midrash (nghiên cứu, giải thích). Hãy mở Giăng đoạn 18 câu 1: “Sau khi phán những điều ấy, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ mình sang bên kia khe Xết-rôn; tại đó có một cái vườn, Ngài bèn vào, môn đồ cũng vậy.” Trong bốn sách Phúc Âm, người nhận ra Ghết-sê-ma-nê như một cái vườn là Giăng. Một lần nữa, Giăng luôn luôn thích thú thực hiện nghiên cứu (midrash) về Sáng Thế Ký. Khe Xết-rôn là thung lũng hẹp giữa Núi Đền (Temple Mount) ở phía tây và Núi Ô-li-ve hoặc Har Zeitim ở phía đông. Ghết-sê-ma-nê do từ Hê-bơ-rơ là Shemen, nghĩa là “dầu.” Dầu ô-li-ve dùng làm nghi lễ trong đền thờ được lấy từ Ghết-sê-ma-nê. Họ thu hoạch ô-li-ve mọc trên núi Ô-li-ve và mang về Ghết-sê-ma-nê để ép. (Vẫn còn những vườn cây ô-li-ve trên núi Ô-li-ve cho đến ngày nay – thật vậy, các chuyên gia nói với chúng tôi rằng có những cây ở đó đã 2.000 năm tuổi và vẫn đang sống; chúng hiện diện trong những ngày của Chúa Jesus – nếu không bị chặn lại vì động đất, vì ô nhiễm hoặc các thảm họa môi trường khác thì cây ô-li-ve sống cực kỳ lâu bền). Đó là Ghết-sê-ma-nê mà Chúa Jesus đã vào và nơi đó mọi việc bắt đầu xảy ra. Trong vườn nầy, Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta lên Chính Mình Ngài. Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta và đặt lên Con Ngài, để lấy công bình của Ngài và đặt lên chúng ta. Đối với Đức Chúa Trời, một người không có tội đáng giá hơn tất cả người có tội: Đó là cách mà một người có thể chết vì mọi người. Chúa Jesus đã gánh tội lỗi chúng ta lên Chính Mình Ngài trong vườn. Đó là nơi Đức Chúa Trời bắt đầu đặt tội lỗi chúng ta lên Chúa Jesus. Ngã Xuống Cơn thạnh nộ đầy trọn của Đức Chúa Trời đã tuôn đổ lên Chúa Jesus lúc Ngài ở trên thập tự giá. “Giờ đây, cũng Giu-đa, kẻ phản bội Chúa, biết nơi các sứ đồ thường gặp nhau.” – Chúa Jesus thường gặp các sứ đồ ở đó – “Vậy, Giu-đa lãnh một cơ binh cùng những kẻ bởi các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si sai đến, cầm đèn đuốc khí giới vào nơi đó.Đức Chúa Jêsus biết mọi điều sẽ xảy đến cho mình, bèn bước tới mà hỏi rằng: Các ngươi tìm ai?Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét.” Tên thật của Chúa Jesus là Rabbi Yeshua Bar Yosef vi Netzeret. Chúng không biết Jesus Christ [tên tiếng Anh] là ai, nhưng chúng sẽ biết Rabbi Yeshua [tên tiếng Hê-bơ-rơ của Ngài] là ai; Ngài là Đấng Duy Nhất từ kẻ chết sống lại và chữa lành người phung; Ngài là Đấng Duy Nhất có thể đi bộ trên mặt nước. “6Vừa khi Đức Chúa Jêsus phán: Chính Ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất.” Bản văn Hy Lạp nói rằng họ ngã lui và rồi trượt về phía trước. Mọi đầu gối sẽ quỳ xuống, cho dù là kẻ nghịch thù Ngài. Hiện tượng được “Đức Thánh Linh cảm hóa” xảy ra nhiều lần trong Thánh Kinh, đặc biệt thời Tân Ước. Trong Khải Huyền đoạn 1, Giăng được Đức Thánh Linh cảm hóa vào ngày của Chúa và khi quyền năng Chúa Jesus đến trên ông, ông ngã xuống như chết. Ông ngã về phía trước và kinh hãi đến nỗi Đức Chúa Trời phải sai thiên sứ khích lệ ông. Khi Chúa Jesus đuổi quỷ ra khỏi đứa trẻ bị chúng ném vào lửa, họ nghĩ nó đã chết; nhưng khi sống lại nó hoàn toàn khác hẵn. Đa-ni-ên cũng khiếp sợ như vậy. Hãy để ý trong Thánh Kinh bất cứ khi nào có ai được Đức Thánh Linh cảm hóa thì đó là biến cố thay đổi cuộc đời họ. Há không phải những gì xảy ra khi người ta bị hạ xuống khác nhau thể nào lúc cuộc đời họ từng được kéo lên sao? Nhưng ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân cố tạo ra kinh nghiệm nầy trong các buổi lễ ở Hội Thánh mỗi tuần. Ai đang sắp hàng? Những kẻ đó đã sắp hàng để bị hạ xuống hồi tuần trước. Họ chỉ muốn bị hạ xuống để cảm thấy xúc động về điều đó. Như với bất cứ vật nào khác, một thế hệ độc ác và gian dâm đang tìm kiếm dấu lạ nầy. Trong Thánh Kinh, bất cứ khi nào người đang được nói đến tiến tới thì đó là phước hạnh từ Đức Chúa Trời. Lần duy nhất họ thối lui thì lúc đó là bị rủa sả và phán xét: Khi họ đến để bắt Đấng Christ. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng ở nhiều Hội Thánh lớn trên thế giới, mỗi lần người ta đi đến trước Hội Thánh để cầu nguyện, “các nhân viên đỡ bắt (official catchers)" đi theo họ. Những kẻ nầy đứng phía sau chỉ chờ cho họ ngã! Mong cho họ ngã. Thậm chí đẩy để họ ngã. Sự cầu nguyện thường lay động để họ mất thăng bằng và ngã. Cơ Đốc nhân, mắt nhắm nghiền và xúc động, tin rằng đó là quyền năng của Đức Chúa Trời và họ đi xuống. Nhưng họ đang ngã theo hướng sai. Cá nhân tôi đã chứng kiến những việc nầy nhiều lần. Người ta khăng khăng rằng họ biết kinh nghiệm nầy đến từ Đức Chúa Trời; được, có thể thật là vậy, nhưng nếu là vậy. Ngài sẽ giận dữ với họ. Cá nhân tôi khá chắc chắn rằng hầu hết đó là phép thôi miên kết hợp với mánh khóe lừa bịp quỷ quái. Tuy nhiên, ngay cả nếu là của Đức Chúa Trời thì đó là sự phán xét. Bạn tìm kiếm ai? Chúa Jesus. Ta là Đấng đó (I am He). Trong tiếng Hy Lạp, “Ta là Đấng đó” hay, ego ami. Từ tương đương Hy Lạp cũng được tìm thấy tại cuối Phúc Âm Giăng đoạn 8, nơi Chúa Jesus phán: “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có Ta.” Ego ami. Người ta cố ném đá Chúa bởi vì Ngài tự cho mình bình đẳng với Đức Chúa Trời. Hãy quay lại việc phân vai cho các nhân vật của chúng ta: Trong Vườn Ê-đen là Đức Chúa Trời trong Thân Vị Chúa Jesus (Person of Jesus). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê là Đức Chúa Trời trong Thân Vị Chúa Jesus (Person of Jesus). Nhưng rồi, trong Vườn Ê-đen, Sa-tan là kẻ lừa dối hiện diện. Trong Phúc Âm Giăng, việc gì xảy ra cho Giu-đa ngay trước khi các sứ đồ theo Chúa Jesus đến vườn Ghết-sê-ma-nê? Bản văn nói với chúng ta cách rõ ràng: Sa-tan vào lòng hắn. Hai kẻ duy nhất bị Sa-tan ám cách cá nhân là Antichrist hoặc tiên tri giả và Giu-đa, Con của Sự Hư Mất. Giăng trong thư tín mình mô tả Antichrist trong tính cách của Giu-đa: “Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta” (I Gi. 2:19). Bất cứ khi nào bạn thấy điều gì đó về Giu-đa trong Thánh Kinh, Đức Thánh Linh đang nói cho bạn điều gì đó về Antichrist. Cả Giu-đa và Antichrist sẽ ở trong tiền bạc ; cả hai có thể lừa dối anh em – các sứ đồ đang hỏi: “Lạy Chúa, có phải tôi không? Lạy Chúa, có phải tôi không?” – họ không biết nhân dạng của kẻ phản bội cho đến khi Chúa Jesus tiết lộ hắn ra. Cũng thể ấy, con người sẽ không biết ai thật là Antichrist cho đến khi Chúa Jesus tiết lộ hắn ra. Nếu bạn không thể thấy rõ bản chất của niềm tin phúc âm thịnh vượng (Đức Chúa Trời muốn bạn giàu có!) hoặc phong trào Ecumenical (các hệ phái Tin Lành và phi Tin Lành như Công giáo La Mã liên kết lại với nhau), điều gì sẽ xảy đến cho bạn khi Antichrist đến? Giu-đa đã lừa gạt người ta như thế nào? Hắn lừa gạt người ta với mánh khóe của Sa-tan: Lá cây vả. “Sao không bán dầu thơm đó đặng bố thí cho kẻ nghèo?” – Hắn giả vờ thương xót người nghèo để lấy lòng người ta, khiến họ nghĩ hắn là người tốt. Tuy nhiên, thật ra hắn chỉ đang sử dụng hoàn cảnh khốn khó của người nghèo để dụ dỗ, ngụy trang và thao túng. Đáng buồn thay, Mẹ Theresa trước khi chết đã nói rằng bà không có bảo đảm về sự cứu rỗi. Khi nhận giải Nobel, bà nói rõ bà không cải đạo con người ở Ấn Độ thành Cơ Đốc nhân, song làm cho người Ấn Độ giáo (Hindu) và người Hồi giáo tốt hơn. Đó là phúc âm của bà. Bà làm sạch họ, cho họ nơi sạch sẽ để chết với phẩm cách và rồi để họ đến địa ngục nghe phúc âm. Mother Theresa (26.8.1910–05.12.1997) là nữ tu Công giáo người Albania, người sáng lập Hội Truyền Giáo Bác Ái tại Calcutta, Ấn Độ năm 1950. Suốt hơn 45 năm, bà giúp đỡ người nghèo, bệnh hoạn, cô nhi và kẻ sắp chết. Bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1979. ND. Tiếp Tục Phần 2 Antichrist cũng làm như vậy. Hắn sẽ giả vờ chăm sóc người nghèo và rồi lôi kéo người ta nghĩ hắn là kẻ theo chủ nghĩa nhân đạo tuyệt vời. Cũng hãy để ý nếu bạn nói ra sự thật về Mẹ Theresa, ngay cả hầu hết Cơ Đốc nhân cũng sẽ bị xúc phạm rằng bạn dám nói như thế về “vị thánh vĩ đại của Đức Chúa Trời.” Bạn chỉ có thể đặt bà trong dấu ngoặc kép, trong mắt họ bà vượt ra ngoài sự chỉ trích. Antichrist sẽ làm cho Mẹ Theresa giống như sự kết hợp của Giê-sa-bên và Ma Barker… khủng khiếp, kinh dị. Kate “Ma” Barker (08.10.1873–16.01.1935) tên thật là Arizona Clark, tội phạm người Mỹ từ “kỷ nguyên kẻ thù chung” (public enemy era), khi thành tích của các nhóm tội phạm ở miền Trung Tây lôi cuốn người Mỹ và báo chí. Các tên khác là Bonnie, Clyde và John Dillinger. ND. Một lần nữa trong vườn Ghết-sê-ma-nê, chúng ta có Sa-tan trong cách của hắn là kẻ lừa dối. Chúng ta hãy xem điều nầy trong bản tóm tắt Phúc Âm rất ngắn gọn. Hãy mở Mác 14, câu 51: Khi chúng đến để bắt Chúa Jesus, “Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình.” Ở đây chúng ta có một người ở truồng chạy trốn, khi chúng đến để bắt Chúa Jesus. Anh là loại người vào lúc bị bắt bớ sẽ tái phạm tội. Họ chạy không có áo cứu rỗi trong nỗ lực cứu lấy cổ mình. Nhiều người sẽ ly khai, rời bỏ. Vấn đề với sự bắt bớ, đó là những người không muốn bắt bớ lại bị bắt bớ trước tiên và tệ hại nhất. Tuy nhiên, kẻ khác khi sự bắt bớ đến họ sẽ từ bỏ. Hãy nhớ Chúa Jesus phán: “Nhiều người sẽ rời bỏ và phản bội nhau.” Các Cơ Đốc nhân sẽ rời bỏ và phản bội bạn ngày sau là những người nghe Copeland và Hagen hôm nay [Kenneth Coperland (06.12.1936) ở Fort Worth, Texas, USA là một trong các lãnh đạo của Phong Trào Ân Tứ (Charismatic Movement). ND]. Nếu ai đó nói lời dối trá rằng: “Đức Chúa Trời muốn bạn giàu có, bạn không phải chịu khổ, bạn là con vua,” chỉ để tìm thấy chính họ đang khổ đau, họ còn có hy vọng gì để giữ đức tin mình nữa? Đáng buồn là niềm tin của họ không bao giờ bắt đầu thật sự. Tôi là người Ngũ Tuần, nhưng sự bóp méo Ngũ Tuần cũng là bội giáo như Hội Thánh Công giáo La Mã, Chính Thống giáo Hy Lạp hoặc các hệ phái Tin Lành tự do phóng túng (liberal). Tất cả là từ ma quỷ. Tất cả là sự dối trá của Sa-tan. Trở lại việc phân vai cho các nhân vật của chúng ta; giờ đây chúng ta có Đức Chúa Trời, chúng ta có Sa-tan và chúng ta có người nam lõa lồ trong vườn. “Các người tìm ai? “Jêsus người Na-xa-rét.” “Chính Ta đây!” Rồi chúng ta thấy nó được lập lại: “Các người tìm ai? “Jêsus người Na-xa-rét.” “Ta đã nói với các ngươi rằng chính Ta đây.” Ba lần Chúa Jesus nói: “Chính Ta.” “Nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi.” – Đây là một tập thể thống nhất (corporate solidarity); “tập thể thống nhất” là từ ngữ thần học để mô tả một kẻ thay mặt cho nhóm người đông hơn. Có nhiều tập thể thống nhất trong Phúc Âm của Giăng. Tôi sẽ cho bạn hai ví dụ về tập thể thống nhất: Bar Abbas trong tiếng A-ram (Sy-ri) nghĩa là “Con Trai của Cha.” Hắn tương đương với một tên khủng bố thời hiện đại. Tôi sống ở Anh quốc và tôi thường xuyên đi đến Bắc Ai-len, nơi có IRA và UVF [ IRA (Irish Republican Army) và UVF (Ulster Volunteer Force) là hai tổ chức mang danh Tin Lành và Công giáo được xem là khủng bố ở Bắc Ai-len. ND]; những kẻ khủng bố thuộc Tin Lành và Công giáo. Những người nầy cơ bản là những tên găng-tơ đang phạm vào tội ác có tổ chức mang danh nghĩa do nguyên nhân tôn giáo chính trị. Cả Tin Lành và Công giáo đều làm vậy. Họ vốn là những tên cướp, những kẻ giả danh tôn giáo được mô tả là tàn bạo nhất. Việc đó hoàn toàn thật sự tương đương với những gì Bar Abbas ưa thích. “Các ngươi có muốn ta tha cho ai?” Phi-lát hỏi dân chúng. “Tên khủng bố nầy hay Ra-bi Yeshua?” Các ngươi muốn tên sát nhân nầy hay vị Ra-bi đã mang cô gái nhỏ trở lại với cuộc sống? Ai đã làm cho kẻ mù được thấy, người bại được đi và kẻ điếc được nghe, ai đã chữa lành người phung, ai đã dạy cho dân chúng về tình yêu thương, bình an và chân lý? “Hãy tha Ba-na-ba,” chúng đòi hỏi. Ba-ra-ba là hình ảnh của tất cả chúng ta: Người công bình chết thay cho kẻ không công bình. Bar Abbas, Con của Cha. Chúng ta trở thành những đứa con của Cha bởi vì Chúa Jesus đã thế chỗ chúng ta trên thập tự giá. Cả bốn sách Phúc Âm đều đặt Phúc Âm trong diễn đàn của một tiến trình pháp lý – Chúa Jesus bị đưa ra xét xử thế chỗ chúng ta, Ba-ra-ba. Tuy nhiên, John Wimber đã nói: “Chúng ta sẽ rút Phúc Âm ra khỏi diễn đàn pháp lý.” John Wimber có một sứ điệp từ địa ngục. Cả bốn Phúc Âm đều đặt Phúc Âm trong diễn đàn pháp lý; chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời như Cha yêu thương cho đến khi chúng ta biết Ngài như Quan Án công bình. John Richard Wimber (25.02.1934–17.11.1997) là một mục sư tài năng, uy tín, có sức lôi cuốn quần chúng và là một trong các lãnh đạo sáng lập Phong Trào Vườn Nho (Vineyard Movement). ND. Tập thể thống nhất khác là một trong các sứ đồ: Chúng ta có cụm từ thông tục ngay cả trong Anh ngữ, “Thô-ma nghi ngờ.” Ông không phải là vị sứ đồ duy nhất nghi ngờ, nhưng ông đã nói: “Ta không tin nếu ta không thấy những dấu đinh.” Trong Xa-cha-ri 12:10, khi Chúa Jesus trở lại, người Do Thái sẽ “nhìn xem Ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng, như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng.” Đây là lúc Israel chưa tin sẽ tin: khi họ thấy những dấu đinh. Thô-ma là một tập thể thống nhất; ông là hình ảnh của đồng bào Do Thái mình. Có tập thể thống nhất khác: “Các người tìm ai? “Jêsus.” “Chính Ta đây! Hãy để cho những kẻ nầy đi.” Ai là “những kẻ nầy”? Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đại diện cho bạn và tôi. “Các người tìm ai? “Jêsus.” “Chính Ta đây! Hãy để cho những kẻ nầy đi.” “Được lắm, thế còn Jacob Prasch ? Bạn có biết, gã nầy đã làm theo cách hắn, cách bán cocaine ở trường đại học không?” “Hãy để hắn đi. Ta là người các ngươi đang tìm; hãy bắt Ta.” “Nhưng hắn là kẻ cực đoan trong trường, đã ném bom xăng vào xe cảnh sát.” “Vâng, Ta biết hắn là ai và Ta biết hắn đã làm gì. Ta đã thấy hắn dưới cây vả. Hãy để hắn đi.” “Được, thế còn việc đồng tính luyến ái thì sao?” “Hãy để hắn đi. Hãy bắt Ta; Ta là người các ngươi đang tìm.” “Vậy việc dẫn khách cho gái điếm?” “Hãy để hắn đi. Ta là người các ngươi đang tìm.” “Còn gái điếm thì sao?” “Hãy để cô ấy đi. Ta là người các ngươi đang tìm, hãy để cho những kẻ nầy đi.” “Để cho họ đi ư? Họ là những kẻ phạm tội!” “Ta biết họ là ai, nhưng các ngươi đang tìm Ta. Hãy để cho những kẻ nầy đi, hãy bắt Ta, hãy để cho những kẻ nầy đi.” “Người là ai?” “Ta là Đấng Tự Hữu. Đây là trò chơi của Ta. Ta là Đấng đi trong vườn. Ta đã tạo ra luật lệ nầy. Chúng ta đang chơi trò chơi của Ta, bằng luật lệ của Ta: Hãy để cho những kẻ nầy đi và hãy bắt Ta.” Đó là Phúc Âm. Chúng đã làm những gì Chúa bảo và để cho họ đi. Và việc đó đã xảy ra trong một khu vườn. Chúng ta hãy tiếp tục nhìn vào vườn. Xin hãy mở Phúc Âm Giăng đoạn 19. Trong câu 39, một lần nữa chúng ta ở trong vườn. “Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Jêsus trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội.” Một dược trong Thánh Kinh được dùng cho một việc: Xức vào thi hài để an táng. Khi Chúa Jesus được sanh ra, họ đã mang vàng bởi vì Ngài là Vua, họ mang trầm hương bởi vì Ngài là Thầy Tế Lễ, nhưng họ cũng mang một dược bởi vì Ngài sẽ chết. Hãy nhớ Hội Thánh Si-miệc-nơ, Chúa Jesus đã phán với họ: “Ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày.” Một dược (Myrrh) trong tiếng Hy Lạp là Si-miệc-nơ (smyrrna). “Vậy, hai người lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa. Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn.” Việc đó phải xảy ra trong vườn, như Sáng Thế Ký, như vườn Ghết-sê-ma-nê. “Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai. Ấy là nơi hai người chôn Đức Chúa Jêsus, vì bấy giờ là ngày sắm sửa của dân Giu-đa, và mộ ấy ở gần.” Chúa Jesus được chôn trong vườn. Ngày trước ngày Sa-bát, họ đọc Ha Shir Hashirim. Đến ngày nầy trong nhà hội vào ngày Sa-bát Ha Matzot đó, tuần lễ Vượt Qua, bạn đọc Megilla, như bạn biết là sách Nhã Ca. Xin hãy mở sách Nhã Ca 4:6. “Ta sẽ đi lên núi một dược, Đến đồi nhũ hương, Ở cho đến khi hừng đông lố ra, Và bóng tối tan đi.” Chàng rể chịu xức dầu an táng, để chết cho nàng dâu; để mang của lễ được nhậm. Mối tình lãng mạn của Sa-lô-môn với nàng Su-la-mít là ẩn dụ cho mối tình của Đấng Christ với Hội Thánh. Chúa chịu xức dầu an táng, để chết cho Hội Thánh, nàng dâu Ngài. Đó là những gì đã được đọc trong nhà hội. Giờ hãy nhìn vào đoạn 5 trong Nhã Ca: “Hỡi em gái ta, tân phụ ta ơi, ta đã vào trong vườn ta rồi! Ta có hái một dược và hương liệu ta.” Để diễn đạt theo cách khác: “Hãy vào trong. Hãy vào trong vườn.” Đó là những gì đang được đọc trong nhà hội vào ngày Sa-bát. Ngày kế, Chúa Nhật, ngày đầu tuần, ngày chúng ta gọi theo tiếng Hê-bơ-rơ là “yom Rishon.” Tuy nhiên, ngày “yom Rishon” đó là “yom Rishon” duy nhất, Chúa Nhật duy nhất trong lịch Do Thái. Đó là ngày lễ Trái Đầu Mùa của người Do Thái. Hãy mở I Cô-rinh-tô 15:20. Về sự sống lại và chúng ta đọc được gì? “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” Hãy chú ý đến từ “ngủ” (asleep – đang ngủ). “Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” Khi bạn đi ngủ, bạn lại thức dậy. Chúng ta luôn lưu ý rằng Thánh Kinh không bao giờ nói về sự chết của tín nhân là chết, mà là ngủ. La-xa-rơ đang ngủ. Cô gái nhỏ đang ngủ; Talithe Tekumi, cô đang ngủ. Phao-lô nói: “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy” (I Tês. 4:13). Người chưa được cứu chết; tín nhân đi ngủ. Có nhiều điều chúng ta có thể nói về việc nầy: Có hai lý do Thánh Kinh mô tả sự chết của tín nhân là ngủ. Lý do đầu tiên, sự sống lại hiển nhiên là bạn thức dậy lần nữa. Khi bạn đi ngủ, việc tiếp theo mà bạn nhận thức được là khi bạn thức dậy. Việc tiếp theo của tín nhân lúc rơi vào giấc ngủ sẽ là nhận thức được đúng vào lúc Phục Sinh. Nhưng cũng có việc khác xảy ra khi bạn đi ngủ: Ý thức bạn đi vào lãnh vực khác, nơi mà sự việc không tạo nên ý nghĩa nào trong giờ khắc thêm vào việc thức dậy của chúng ta. Khi nằm mơ, bạn có thể mơ về người chết sống lại và nói chuyện với họ. Trong giấc mơ bạn có thế thấy những sự kiện quá khứ trong hiện tại và những sự kiện tương lai trong hiện tại. Quá khứ, hiện tại và tương lai trở nên tương tự. Có niên đại, nhưng không có thời gian. Chúng ta có hai từ Hy Lạp để chỉ thời gian là chronos và cairos. Trong cõi vĩnh hằng bạn chỉ có chronos, không có cairos. Nói cách khác, cõi vĩnh hằng không phải là đồng hồ đang chạy, mà không có đồng hồ nào hết. Đó là chronos, bảng niên đại, một trình tự của những sự kiện, nhưng không có thời gian. Trong giấc mơ, bạn có thể thấy các sự kiện quá khứ xảy ra lần nữa: Bạn có thể thấy George Washington đang băng qua Delaware. Bạn có thể thấy việc nào đó. Bạn có thể thấy điều gì đó sẽ xảy ra, bạn có thể mơ về kỳ nghỉ sắp tới của mình ở California hoặc điều đã xảy ra trong Khải Huyền. Chiên Con đã bị giết trước khi sáng thế. Giăng đã thấy 24 trưởng lão ngồi trên ngôi; ông đã thấy các sự kiện tương lai chưa xảy ra, đang xảy ra nơi đây và bây giờ. Khi đi ngủ bạn mơ, các nhà tâm lý học cho biết tất cả chúng ta đều mơ. Họ biết từ điện não đồ và sóng não α (an-pha) trong vật khác, tất cả chúng ta đều mơ. Ý thức bạn đi vào lãnh vực khác, nơi mà sự việc sẽ không tạo nên ý nghĩa nào trong những giờ đi bộ, chúng chỉ tạo nên ý nghĩa khi bạn chết. Như thế, vấn đề trở thành, vậy linh hồn bạn đi ngủ hay bạn đi để ở với Chúa? Liên quan đến chúng ta, bạn ở trong mộ mình. Liên quan đến cõi vĩnh hằng, xảy ra rồi. Nói theo sách Ê-phê-sô, chúng ta đồng ngồi với Đấng Christ ở các nơi trên trời. Bạn không thể áp dụng thời gian vào cõi vĩnh hằng. Đó là một trong những chỗ mà người theo giáo phái Calvin đi sai, họ cố áp dụng thời gian vào cõi vĩnh hằng. Có sự bảo đảm mãi mãi phải không? Vâng, bởi vì trong cõi vĩnh hằng, xảy ra rồi, nhưng sự bảo đảm mãi mãi không có nghĩa là một lần được cứu sẽ luôn được cứu. Đối với chúng ta, nó có thể thay đổi. Có sự bảo đảm mãi mãi, nhưng không phải theo cách mà người theo phái Calvin nghĩ. Họ làm rối tung mọi sự. Thuyết Calvin đặt căn bản trên chủ nghĩa nhân đạo. Nó là chủ nghĩa nhân đạo. Thật điên rồ. Họ đi ngủ. Đấng Christ là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Đấy là sự hoàn thành của Chúa Cứu Thế về ngày lễ Trái Đầu Mùa của người Do Thái. Điều gì xảy ra trong Chúa Nhật nầy, ngày yom Rishom, về Trái Đầu Mùa? Điều gì xảy ra trong Chúa Nhật của Tuần Vượt Qua đó? Chúa Nhật đó chúng ta đã đọc Nhã Ca và trong các nhà hội họ vẫn đọc Nhã Ca đến tận ngày nay. Chúa Nhật đó khi trời vẫn còn tối, trước lúc bình minh, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ phải đi vào Trũng Kít-rôn (Kidron), dốc xuống phía dưới đền thờ. Ông đi vào trũng Kít-rôn và ông sẽ chờ đợi, lúc trời vẫn còn tối vì tia sáng đầu tiên sẽ đến phía sau Núi Ô-li-ve. Khi thấy tia sáng mặt trời đầu tiên, ông sẽ trịnh trọng gặt hái các nhánh nho đầu tiên trong vụ thu hoạch xuân đang đến trong trũng Kít-rôn, thu hoạch cách trịnh trọng. Đó sẽ được gọi là Trái Đầu Mùa. Giờ đây cả bốn sách Phúc Âm đều nói với chúng ta Chúa Jesus đã sống lại vào lúc mặt trời mọc. Như tôi thường chỉ ra, sự mọc của mặt trời là một phép ẩn dụ trong ngữ văn Thánh Kinh để chỉ sự sống lại của Con Người . [Tác giả chơi chữ (play words) ở chỗ nầy: Vào lúc mặt trời mọc (at sunrise), sự mọc của mặt trời (the rising of the s-u-n) và sự sống lại của Con Người (the rising of the S-o-n). ND]. Ngay cả ở Cựu Ước trong Ê-sai, “hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến” (Ê-sai 60:1). Vinh quang của Chúa phục sinh sáng hơn mặt trời, vân vân. Cả bốn sách Phúc Âm đều nói sự phục sinh đến ngay vào sáng sớm tinh mơ, lúc trời vẫn còn tối. Chính vào giờ đó, chính vào ngày đó trong năm khi thầy tế lễ thượng phẩm thu hoạch trái đầu mùa và đang mang trái đầu mùa vào đền thờ, Chúa Jesus đã sống lại như trái đầu mùa của sự phục sinh. Như vậy, chúng ta hãy xem những gì xảy ra trong vườn. Con người sa ngã trong vườn, sự rủa sả giáng trên con người trong vườn, nhưng rồi ở khu vườn đó, Đức Chúa Trời mang tội lỗi chúng ta và bị bắt vì tội lỗi chúng ta. Sau đó, Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta. Ở nơi Ngài chịu đóng đinh có một khu vườn. Chúa chịu đóng đinh thế chỗ chúng ta trong vườn. Nhưng rồi có điều gì khác cũng xảy ra ở vườn. Giăng 20:1, Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, ngày yom Rishom, ngày lễ Trái Đầu Mùa của người Do Thái, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri Ma-đa-la, bà đến từ Ma-đa-la xứ Ga-li-lê, sẽ có nghĩa đó là nơi có đồn lũy, tới mộ sớm trong lúc trời vẫn còn tối. Cũng như thầy tế lễ thượng phẩm phải đi vào vườn khi trời vẫn còn tối, bà thấy hòn đá lấp cửa mộ đã dời đi. “Vậy, người chạy tìm Si-môn Phi-e-rơ và môn đồ khác, là người Đức Chúa Jêsus yêu, mà nói rằng: Người ta đã dời Chúa khỏi mộ, chẳng hay để Ngài tại đâu.” Hãy để ý, tin xấu trong vườn đầu tiên đến từ một người nữ. Sự rủa sả cũng đến trên người nữ trước nhất. Tin xấu đầu tiên đến từ một người nữ. Vì vậy tin tốt phải đến từ người nữ trước nhất, bạn có hiểu tại sao nó phải đến từ người nữ không? Không thể là người nam; nó phải là người nữ. Sự rủa sả đến trên người nữ trước nhất, vì vậy tin tốt phải đến từ người nữ đầu tiên. Tin xấu đầu tiên đến từ một người nữ, vậy tin tốt phải đến từ người nữ trước nhất. Cho nên, “Phi-e-rơ với môn đồ khác bèn bước ra, đi đến mồ. Cả hai đều chạy, nhưng môn đồ kia chạy mau hơn Phi-e-rơ, và đến mồ trước. Người cúi xuống, thấy vải bỏ dưới đất; nhưng không vào. Si-môn Phi-e-rơ theo đến, vào trong mộ, thấy vải bỏ dưới đất, và cái khăn liệm trùm đầu Đức Chúa Jêsus chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác.” Bây giờ đây là một sắc thái văn hóa. Những người thợ mộc thời Thánh Kinh ở miền Cận Đông xa xưa, khi được giao nhiệm vụ xây dựng hoặc hoàn thành công trình nào đó, họ sẽ treo một mảnh vải lên. Cuối ngày, họ sẽ dùng mảnh vải đó để lau mồ hôi. Nhưng cuối ngày, khi công việc xong, bạn lấy mảnh vải hay chiếc khăn đó, gấp lại và bỏ quên. Vì vậy, môn đồ khác đi đến mộ cũng vào trong đó. Và ông thấy rồi tin. Bởi cho đến lúc đó, họ chưa hiểu Thánh Kinh bảo rằng Chúa phải sống lại từ kẻ chết. Thế nên các môn đồ trở về lại nhà họ. “Song Ma-ri đứng bên ngoài, gần mộ, mà khóc. Người vừa khóc, vừa cúi xuống dòm trong mộ,thấy hai vị thiên sứ mặc áo trắng, một vị ngồi đằng đầu, một vị ngồi đằng chân, chỗ xác Đức Chúa Jêsus đã nằm.” Giờ đây, một lần nữa, hai thiên sứ tương tự như hai chê-ru-bim trên Hòm Giao Ước, nhưng tôi sẽ không đi vào việc đó, giờ bạn có thể kiếm được các băng ghi âm nếu bạn thích. “Hai thiên sứ hỏi: Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Người thưa rằng: Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu. Vừa nói xong, người xây lại thấy Đức Chúa Jêsus tại đó; nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus hỏi người rằng: Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai?” Giả sử Chúa là người làm vườn. Giờ đây, người làm vườn đã nói gì ngày hôm trước trong Nhã Ca? Hãy vào vườn ta hỡi người yêu dấu của ta. Bạn thấy trong Sáng Thế Ký, thiên sứ nói, hãy ra khỏi đây. Hãy ra khỏi vườn, bạn không thể vào được nữa. Nhưng một lần Chúa đã cất tội lỗi của chúng ta trong vườn và đã sống lại từ kẻ chết; giờ đây thiên sứ bảo, hãy vào trong. Chúa đã phục sinh! Hãy vào trong. Người nữ thì nhạy cảm hơn. Họ nhận ra trước. Người nam thì chậm một chút. Câu chuyện tiếp tục. Bà cố nói với các sứ đồ. Giả sử Chúa là người làm vườn, bà nói với người: “Hỡi chúa, ví thật ngươi là kẻ đã đem Ngài đi, xin nói cho ta biết ngươi để Ngài đâu, thì ta sẽ đến mà lấy. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi Ma-ri! Mari bèn xây lại, lấy tiếng Hê-bơ-rơ mà thưa rằng: Ra-bu-ni (nghĩa là Thầy)! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chớ rờ đến Ta; vì Ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em Ta, nói rằng Ta lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các ngươi.” Trong Phúc Âm Giăng, trước đây Chúa Jesus thường nói đến Cha như Cha Ngài trong hình thức sở hữu, sở hữu cá nhân. Khi mà Chúa gánh lấy tội lỗi chúng ta và sống lại từ kẻ chết, giờ đây Ngài là Cha của chúng ta. Ma-ri Ma-đơ-len đi rao bảo cho môn đồ - người nữ rao truyền trước tiên. Bạn biết, tôi tin chắc về vấn đề nầy. Hơn tám trong số mười lần khi chồng và vợ được cứu, thì vợ là người được cứu trước. “Ma-ri Ma-đơ-len đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa, và Ngài đã phán cùng mình những điều đó.” Vì vậy, “Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ,” (người Do Thái tính ngày bắt đầu lúc mặt trời lặn), khi “những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: (Shalom alech em) Bình an cho các ngươi!” Giờ đây khi nói sợ dân Do Thái, không có nghĩa dân chúng là người Do Thái. Tất cả họ đều là người Do Thái. Chúa Jesus là người Do Thái. Tất cả họ đều là người Do Thái. Ma-ri là người Do Thái, các sứ đồ là người Do Thái. Bạn có được ở đây là vấn đề dịch từ Hy Lạp “yudeioi” nghĩa là người Giu-đa. Sự thiết lập tôn giáo trong và xung quanh Giê-ru-sa-lem do dân chúng kiểm soát. Không có nghĩa là thuộc tộc người Do Thái, bởi vì tất cả họ đều là người Do Thái. Vì vậy, nghĩa là sự thiết lập tôn giáo trong và xung quanh Giê-ru-sa-lem do Hội Đồng Do Thái (Sanhedrin) và người của họ kiểm soát. Và Chúa phán: Bình an cho các ngươi. Tôi đã giải thích điều nầy nhiều lần ở đây tại Believers in Grace (Tín Nhân Trong Ân Điển), nhưng có người trước đây chưa nghe. Tôi sống ở Anh quốc, nơi mà tiến sĩ Samuel Johnson mỉa mai, thế nhưng chính xác trong tự điển của mình, bình an (peace - hòa bình) được định nghĩa là thời kỳ chuẩn bị và lừa dối giữa hai cuộc chiến tranh. Chúng tôi nghĩ về bình an trong nghĩa Hy Lạp “Irene,” giống như tên một cô gái, là không có xung đột. Đó là bình an mà thế gian cho bạn. Bình an của Đức Chúa Trời là shalom. Cuối cùng giờ đây sự bình an của Chúa sẽ bao gồm cả việc không có xung đột. Khi Chúa Jesus trở lại, các nước sẽ đâm ngọn giáo mình vào kéo tỉa cây. Cuối cùng sự bình an sẽ bao gồm cả việc không có xung đột. Nhưng không có xung đột không phải là bình an. Bình an (shalom) đến từ dạng nguyên mẫu của động từ Hê-bơ-rơ là “leshalem.” Leshalem nghĩa là trả (to pay). Nó là từ đồng nghĩa trong Thánh Kinh Hê-bơ-rơ với từ “le malot,” nghĩa là làm đầy (to fill). Và nghĩa là làm trọn (to fulfil). Leshalem, từ ngữ shalom đến từ leshalem. Chúng ta có được shalom từ leshalem, để trả, để làm đầy và để làm trọn. Chúng ta có bình an bởi vì Chúa Jesus đến để trả giá cho tội lỗi chúng ta, để làm đầy chúng ta với Thánh Linh Ngài và để làm trọn luật pháp, torah. Chúng ta có shalom bởi vì Đấng Mê-si đến để leshalem, để trả giá cho tội lỗi chúng ta và để làm đầy chúng ta với Thánh Linh Ngài và để làm trọn luật pháp. Bạn có thể ở trong cuộc xung đột lớn nhất của đời mình và bạn vẫn có bình an. Hoặc bạn có thể ở vào tình trạng tinh nguyên hoàn hảo nhưng thiếu bình an. Yeshua (Chúa Jesus) phán: “Ta cho các ngươi sự bình an, chẳng phải như thế gian cho.”“Sự bình an của Ta ban cho.” Đó là những gì Ngài đã phán. Giờ đây, vấn đề rõ ràng là: Trong vườn chúng ta đã bỏ đi khỏi đó. Trong vườn Sa-tan đã điều khiển chúng ta và hắn điều khiển cho đến ngày nay. Trong vườn chúng ta đã phải trả giá bằng lời rủa sả trên chính chúng ta. Nhưng trong vườn Đức Chúa Trời đã hứa ban sự cứu chuộc. Dù bạn có tin hay không, cũng không liên quan. Như đã định con người phải chết một lần rồi chịu phán xét. Nếu bạn không tin những gì tôi nói hôm nay, tôi bảo đảm với bạn thời điểm đến thì bạn sẽ tin, nhưng sẽ quá trễ. Vấn đề duy nhất là nó thật hay giả? Tôi có thể nói với bạn nó là thật. Bạn sẽ tin vào ngày nào đó, nhưng sẽ quá trễ. Ngay bây giờ là thời điểm đã định, hôm nay là ngày cứu rỗi. Cũng giống như A-đam và Ê-va, bạn đang lõa lồ đứng trước Đức Chúa Trời toàn hảo thánh khíết. Và tất cả lá vả trên thế gian cũng không đủ tốt. Không phải tổng giá trị của lá vả sẽ cứu bạn khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Bạn có thể đang tin vào việc lành và là những gì xã hội gọi là người tốt. Dù tốt đến đâu, bạn cũng không đủ tốt để đi đến Thiên Đàng. Dù tốt đến đâu, bạn cũng không đủ tốt để đi đến Hỏa Ngục. Dù bạn xấu xa đến đâu, bạn cũng không đủ xấu xa để đến nỗi Đức Chúa Trời không yêu thương bạn và không muốn cứu bạn. Hãy xem, tôi có hoàn cảnh thuận lợi. Tôi lớn lên trong văn hóa Tin Lành. Thậm chí tôi không biết Cơ Đốc Nhân Tái Sanh là gì. Vào lúc mười sáu tuổi, tôi ngu dại vướng vào hê-rô-in. Tôi không biết, không có ai thuyết phục để tôi biết tôi là tội nhân. Tôi đã biết rồi. Ma quỷ đưa người ta vào Hỏa Ngục với tôn giáo nhiều hơn là hắn làm tất cả người ngu độn, tất cả kẻ đồi bại, tất cả kẻ cờ bạc, tất cả các loại tội lỗi nầy gộp lại với nhau. Những chiếc lá vả dẫn đưa đến Hỏa Ngục. Vậy bạn đang lõa lồ đứng trước Đấng Sáng Tạo và có thể bạn đang kết lá vả. Bạn đang tin cậy vào tôn giáo. Không đổ huyết thì không có sự tha thứ (Hê-bơ-rơ 9:22). Nhưng ai đó đã vào vườn ở chỗ của bạn. Hãy chỉ nghĩ về phiên tòa, nơi có một quan án, một công tố và một luật sư bào chữa. Giờ đây, quan án đó, công tố đó và luật sư bào chữa đó sẽ đứng về phía bạn hoặc chống lại bạn. Giả sử bạn ở tại phiên tòa nơi mà quan án cũng là luật sư bào chữa cho bạn. Bạn không thể thất bại. Nơi đó công tố là Sa-tan, kẻ kiện cáo anh em. Nếu quan án cũng là luật sư bào chữa cho bạn và công tố là Sa-tan, bạn không thể thất bại. Mặt khác, nếu quan án không phải là luật sư bào chữa cho bạn, nhưng là công tố, bạn không thể thắng được. Nhưng bạn có thể thắng. Bằng cách nào? Bằng cách để Ngài gánh tội bạn. Trong vườn Ngài đã gánh lấy rồi. Bạn chỉ phải chấp nhận rằng Ngài đã làm vậy. Đó là Phúc Âm. Ngài đã gánh lấy rồi, bạn chỉ phải chấp nhận Ngài đã làm điều đó thôi. Những chiếc lá vả sẽ không làm cho bạn không tốt. Các thánh lễ, những buổi cầu nguyện đặc biệt, tôn giáo, sẽ không làm bạn tốt được. Chúng chỉ là những chiếc lá vả. Tôi không chống lại những việc lành; chúng ta làm việc lành bởi vì chúng ta được cứu, chứ không phải làm việc lành để được cứu. Nó đã xảy ra trong vườn. Đó là sự lựa chọn của bạn. Chúa đã gánh tội bạn. Bạn có thể quay khỏi tội lỗi và cầu xin Chúa tha thứ cho bạn. Hãy cầu xin Ngài vào trong đời sống bạn và ban cho bạn đời sống mới. Chúa có thể làm được. Ngài đã làm rồi. Vâng, tôi biết. Nhưng giờ đây có Con của Cha. Hãy lấy tôi thay thế vào. Chúa đã thấy bạn dưới cây vả. Chúa muốn nói với bạn những gì Ngài đã nói với môn đồ Ngài. Thật vậy, Chúa muốn nói với bạn những gì Ngài đã nói với tôi. Những gì Chúa đã nói với môn đồ Ngài, Ngài muốn nói với chúng ta bởi vì Chúa muốn chúng ta là môn đồ Ngài. Chúa đã nói với họ: “Bình an cho các ngươi!” Shalom alechem. Các ngươi muốn bình an ư? Không thành vấn đề. Các ngươi có thể có bình an. Các ngươi có thể có shalom (bình an) bởi vì Ta đã đến để leshalem (trả), ở trong vườn, để trả giá cho tội lỗi của các ngươi. Để làm đầy các ngươi với Thánh Linh Ta và để làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời mà các ngươi có thể không bao giờ bắt đầu giữ gìn. Đó là nhũng gì Chúa Jesus đã nói với Ma-ri Ma-đơ-len, đó là những gì Chúa Jesus đã nói với Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng. Đó là những gì Chúa Jesus đã nói với tôi, đó là những gì Chúa Jesus đã nói với Bill Randles và nếu bạn chưa tái sanh thì đó là những gì Chúa Jesus đã nói với bạn hôm nay. Shalom alechem. Nếu bạn chưa biết Chúa, xin đừng rời khỏi nơi đây hôm nay mà không nói chuyện với mục sư hoặc với tôi. Nếu bạn chưa tái sanh, chúng tôi sẽ ở lại đây sau buổi nhóm, đừng đi ra khỏi cửa cho đến khi bạn nghe Chúa Jesus nói với bạn shalom alechem. Chúa ban phước. James Jacob Prasch Translated into Vietnamese by Daniel Nguyen.
April 3, 2025
Làm Sạch Men Thô-ma Nghi Ngờ Sứ Đồ Phao-lô Ru-ma-ni “Chúa Jesus Yêu Bạn” Rose Werner Sự Phục Hưng? Hãy Chỉ Cho Tôi Chúa Jesus Hội Thánh Lao-đi-xê “Nó Ở Đây!” Nhiều người cố nói với chúng tôi rằng dấu kỳ, phép lạ sẽ khiến cho những người chưa được cứu tin nhận Chúa. Vào ngày Lễ Vượt Qua trong thời Chúa Jesus, các ra-bi (tu sĩ Do Thái giáo) nổi tiếng sẽ đến với nhau và tranh luận. Tại một ngày Lễ Vượt Qua đặc biệt, vị Ra-bi mà mọi người đều muốn gặp, là người có thể nuôi ăn hàng ngàn người chỉ với rổ bánh dành cho bữa ăn ngoài trời của một cậu bé, người có thể đi bộ trên mặt nước, người có thể chữa lành mọi bệnh tật và thậm chí khiến kẻ chết sống lại. Đoàn dân muốn Ngài trình diễn một màn. Họ đã có phúc âm về “dấu kỳ và phép lạ.” Họ cũng muốn người đó tống khứ người La Mã, cách mà người Mác-ca-bê đã đánh đuổi người Hy Lạp. Họ đã có phúc âm về “Vương Quốc Ngay Bây Giờ.” Và, nếu bạn hiểu Hallel Rabbah từ Thi Thiên 113 đến 118, mà họ hát cho Chúa Jesus, như họ đang hát “hãy ban cho chúng tôi sự thịnh vượng ngay bây giờ.” Vậy họ đã có phúc âm về “sự thịnh vượng.” Dân nầy không muốn Đấng Mê-si sẽ là Tôi Tớ Chịu Khổ. Họ muốn một đấng sẽ làm cho họ giàu có. Làm Sạch Men Lễ Vượt Qua bắt đầu với việc làm sạch men. Chúa Jesus sẽ không trình diễn màn nào. Thay vào đó Ngài làm sạch men. Men là hình bóng của tội lỗi, đặc biệt là tội kiêu ngạo, bởi vì nó dậy phồng lên. Kiêu ngạo là loại tội ủng hộ các loại tội khác. Ví dụ như nếu ai đó có tính tham lam thì vấn đề cơ bản của họ là kiêu ngạo. Nếu ai đó có tính dâm ô thì vấn đề cơ bản của họ cũng là kiêu ngạo. Kiêu ngạo là tội lỗi nền tảng của các tội lỗi khác. Kiêu ngạo còn liên kết với tà giáo. Đó là lý do Chúa Jesus phán: “Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si” (Mat. 16:6). Tòa án tối cao Do Thái chịu trách nhiệm kiểm tra chiên vào ngày Lễ Vượt Qua. Họ kiểm tra đến bảy mươi bốn khuyết tật khác nhau. Nếu không tìm được khuyết tật nào trên con chiên, họ sẽ chấp nhận cho nó được hiến tế. Nhưng họ xuyên tạc kinh Torah, chuyển vai trò tế lễ Lê-vi của mình sang việc buôn bán. Các lãnh đạo tôn giáo bóp méo Lời Chúa để nâng cao địa vị của chính họ, lợi dụng dân sự Đức Chúa Trời và trục lợi trên huyết của chiên con. Thay vì tống khứ người La Mã, Đức Chúa Trời đã tống khứ họ. Đức Chúa Trời quan tâm đến tội lỗi trong đời sống tôi và bạn nhiều hơn là tội lỗi trong đời sống của người chưa được cứu. Chúa Jesus đã quét sạch bọn đổi bạc ra khỏi đền thờ bởi vì sự phán xét bắt đầu trong nhà của Đức Chúa Trời. Dẹp sạch đền thờ xong, chúng mang người què đến và Ngài đã chữa lành cho họ. Các phép lạ cặp theo nầy (Mác 16:20), Chúa Jesus sẽ không bao giờ cho phép các dấu kỳ phép lạ bị thổi phồng trên sự ăn năn. Việc tương tự xảy ra vào lễ Hanukkah,* lễ về phép lạ của người Do Thái. Họ muốn ném đá Ngài và Ngài phán: “Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi các ngươi ném đá Ta” (Gi. 10:32). *Lễ Hanukkah hay Chanukah, cũng được gọi là Lễ Hội Ánh Sáng, kỳ nghỉ tám ngày của người Do Thái để kỷ niệm việc tái dâng hiến Đền Thờ Thánh (Đền Thờ Thứ Nhì) ở Jerusalem vào thời Mác-ca-bê, thế kỳ thứ 2 trước Chúa. ND. Nếu dấu kỳ phép lạ thật sự là chìa khóa để phục hưng, tại sao họ lại kêu gào vào vài ngày sau đó: “Đóng đinh Hắn trên cây thập tự đi,” khi họ biết rằng Chúa Jesus đã khiến La-xa-rơ từ kẻ chết sống lại và đã chữa lành kẻ bại lẫn người mù? Các thầy thuyết giáo phát đạt, kẻ công bố mình có tất cả phép lạ, đã ở xung quanh thời gian dài, nhưng không có sự phục hưng nào đến; dĩ nhiên Phúc Âm bị ô nhơ bởi những vụ bê bối của họ. Thô-ma Nghi Ngờ “Vả, lúc Đức Chúa Jêsus đến, thì Thô-ma, tức Đi-đim, là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó với các môn đồ. Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin. Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đương đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi!Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin!Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!Đức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Gi. 20:24-29). Thô-ma là hình ảnh nghi ngờ của toàn nhân loại. Chúa Jesus đã bày tỏ cho họ trong việc bẻ bánh ─ bánh của Lời Ngài. Khi Chúa Jesus sống lại, Ngài muốn biểu lộ cho họ rằng Ngài không phải là hồn ma, vì vậy Chúa đã ăn. Sau khi Chúa Jesus khiến La-xa-rơ sống lại từ mộ phần, Ngài được nhìn thấy đang ăn với La-xa-rơ (Gi. 12:1-2). Khi Chúa làm cho cô gái nhỏ sống lại, Ngài đã truyền cho đứa trẻ ăn (Mác 5:43). Hồn ma thì không cần ăn, vì vậy Kinh Thánh dùng ý tưởng về người nào đó ăn sau khi được sống lại để chỉ rằng đó là sự sống lại của thân thể. Chúa Jesus được nhận biết không phải lần đầu, Ngài được nhận ra trong việc bẻ bánh. Ngài có thể làm những việc như đi xuyên qua tường. Điều đó dạy cho biết về tương lai chúng ta. Những gì xảy ra với Ngài, sẽ xảy ra với chúng ta. Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ (I Côr. 15:20). Khi thầy tế lễ thượng phẩm ra khỏi trũng Kít-rôn (Kidron) lúc bình minh ngày thứ nhất của tuần lễ sau Lễ Vượt Qua, ông ta phải mang ngũ cốc đầu mùa làm của lễ qua Cửa Đông vào trong đền thờ. Tất cả bốn sách Phúc Âm đều nói cho chúng ta rằng Chúa Jesus sống lại lúc bình minh, vào chính thời điểm khi thầy tế lễ thượng phẩm đang mang vào hoa quả đầu mùa. Chúa Jesus là trái đầu mùa của sự phục sinh. Sự phục sinh của chúng ta và của Chúa là sự kiện tương tự, chỉ có Ngài là đầu tiên, vì vậy sự phục sinh của Chúa dạy về sự phục sinh của chúng ta. Môi-se, Chúa Jesus và Ê-li được hóa hình cùng nhau. Ê-li ─ người chưa bao giờ chết (ông được cất lên), Môi-se ─ người đã chết và Chúa Jesus. Đó là điều đã đánh bại hoàn toàn đế quốc La Mã Ngoại Giáo. Thật là bi kịch khủng khiếp của lịch sử khi Giáo Hoàng La Mã lại không tốt hơn Ngoại Giáo La Mã sau đó, tuy nhiên những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã đánh bại hoàn toàn quyền lực của đế quốc La Mã Ngoại Giáo. Tertulian* đã nói: “Huyết của những người tuận đạo là hạt giống của Hội Thánh.” Những người nầy chẳng kể sự sống của mình làm quý. Phao-lô đã viết cho người La Mã trích từ Thi Thiên 44: “Thật vì Chúa mà hàng ngày chúng tôi bị giết” (Thi 44:22a; Rôm. 8:36). * Tertullian tức Quintus Septimuis Florens Tertullianus (160-220) là Cơ Đốc nhân đầu tiên sáng tác nhiều tác phẩm. Ông cũng là nhà biện giải xuất sắc chống lại tà giáo. Tertullian còn được gọi là Cha của Cơ Đốc giáo Latin (The Father of Latin Christianity). ND. Sứ Đồ Phao-lô Chứng cớ về việc xức dầu làm sứ đồ của Phao-lô là gì? Phải chăng đó là tất cả những Hội Thánh mà ông khai mở, tất cả người được cứu, hoặc việc ông có thể đứng lên tranh luận với các lãnh đạo giáo sĩ Do Thái nổi tiếng và chiến thắng? Không, đó không phải là chứng cứ của ông. Thậm chí không phải là các phép lạ, gồm cả làm sống lại kẻ đã chết (Công 20). Không có điều nào trong số đó. Chứng cớ cho việc xức dầu của ông là “trong mình tôi có đốt dấu vết của Đức Chúa Jesus” (Gal. 6:17). Ông đã dùng từ ngữ Hy Lạp “stigmata,” cho ra từ Anh ngữ “stigmatize.” (Động từ “stigmatize” hay stigmatise” nghĩa là bêu xấu. ND). Ông bằng lòng chịu rủa sả tỏ tường trong thân xác vì cớ Đấng Christ. Ru-ma-ni Vợ tôi là người Do Thái ở Ru-ma-ni. Cha mẹ cô là những người sống sót sau việc tàn sát hàng loạt thời Hitler (Holocaust). Họ đã chịu khổ dưới chế độ Phát-xít và suýt chết. Hầu hết người trong gia đình đều bị giết. Vợ tôi di dân đến Israel khi cô mười một tuổi. Hội Thánh đã chịu khổ nhưng tăng trưởng ở Ru-ma-ni. Sự phục hưng xảy ra trong vòng người Gypsy và những người trước đây không thể hoán cải được. Nhiều người Do Thái đã được cứu. Richard và Sabina Wurmbrand (Tiếng Nói Người Tuận Đạo) đã đến từ cộng đồng Do Thái đó. Nhiều tín nhân chúng tôi biết ở Israel là những người Do Thái đến từ Ru-ma-ni. Hội Thánh trong một quốc gia đã làm gì để tăng trưởng như vậy? Người ta đã làm gì để khiến họ tin? Họ chứng kiến một thân thể bị đóng đinh trên thập tự giá đã sống lại. “Tôi đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal. 2:20). Họ đã không nói như vẹt bằng lời. Tôi đã gặp nhiều Cơ Đốc nhân sống trong quyền năng của sự phục sinh. Tôi đã gặp nhiều người Do Thái thuộc về Chúa Cứu Thế sống trong quyền năng của sự phục sinh. “Chúa Jesus Yêu Bạn” Tôi nhớ một người anh em có vợ và năm con. Anh là lãnh đạo của một trong những Hội Thánh Thầm Lặng. Anh đã bị giam cầm nhiều năm. Vào lúc đó gia đình anh không biết anh còn sống hay đã chết. Lính gác đánh đập anh nhiều lần và tra tấn, nhưng anh không chối bỏ đức tin mình. Họ tiêm vào tĩnh mạch anh thuốc an thần liều cao và chích điện anh nhiều lần. Chỉ ở tuổi trung niên thôi, song trông anh rất già bởi vì những gì họ đã làm với anh. Giờ đây anh đang ở Israel. Anh là người Do Thái. Vợ anh nắm tay dắt anh đi quanh. Anh chỉ có thể nói một cụm từ, đó là điều duy nhất anh từng nói: “Chúa Jesus Yêu Bạn.” Họ đã tra tấn anh bằng điện, họ đã tiêm anh thuốc an thần, họ cố hủy diệt đức tin của anh trong Chúa Jesus, Đấng Mê-si. Nhưng đó là điều duy nhất họ không thể hủy diệt. Họ đã hủy diệt cuộc sống anh trên thế gian nầy, họ đã phá hủy trí não và sức khỏe anh. Họ đã hủy diệt mọi thứ, ngoại trừ đức tin của anh trong Chúa Jesus. Người đàn ông có thân thể bị đóng đinh đó đã bước đi và sống trong quyền năng của sự phục sinh. Rose Werner Vợ tôi và tôi rất vinh dự được làm bạn với một phụ nữ Do Thái đến từ Hunggary, là tín hữu Do Thái thuộc thế hệ thứ hai, Rose Werner. Trong Thế Chiến II, Rose có cơ hội để trốn thoát khỏi Hunggary. Chúa đã phán trực tiếp với cô: “Không, ta muốn con đi đến Gestapo và tự đi vào như một người Do Thái.” Cô đã làm như vậy. Rất ít người Do Thái hoặc Gypsy sống sót ở Auschwitz.* Cô là một trong số rất ít người đó. Những gì đã xảy ra cho cô ở Auschwitz không thế nói bằng lời. Họ đã mang đến hàng ngàn phụ nữ Do Thái mỗi ngày, lột trần truồng, cạo đầu, nhổ răng họ, xông khí độc cho họ chết và rồi bỏ họ vào lò thiêu. * Gestapo, Cơ Quan Mật Vụ của Đức Quốc Xã, bắt đầu từ tháng Tư 1934 dưới quyền chỉ huy của tướng SS là Heinrich Himmler. Auschwitz, trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Ba Lan trong Thế Chiến II sau khi Đức chiếm đóng Ba Lan tháng 9.1939. Auschwitz gồm có Auschwitz I, trại chính; Auschwitz II Birkenau, trại hủy diệt; Auschwitz III Monowitz, còn gọi là Buna-Monowitz, trại lao động và 45 trại vệ tinh khác. Đến ngày 27 tháng 1 năm 1945, Auschwitz được giải phóng bởi một đơn vị quân Sô-viết, và đã có hơn 3 triệu người đã chết tại đây. ND. Cô đã tình nguyện vì việc đó. Khi cô đi đến để ở với Chúa, có nhiều người khác chờ cô, một số phụ nữ Do Thái đó trước khi bị xông hơi độc chết, đã tin Chúa khi nghe Phúc Âm của Đấng Mê-si Jesus từ một người Do Thái. Rose Werner đã có một đời sống bị đóng đinh. Người phụ nữ có một thân thể bị đóng đinh đó đã sống trong quyền năng phục sinh của Đấng Mê-si Jesus (Yeshua). Tôi biết những người giống như vậy. Nhiều người trong số họ đã chịu khổ vì đức tin mình. Tôi biết nhiều Cơ Đốc nhân, không phải tất cả, là những người ngoan đạo giống như vậy. Thường không phải là kẻ to mồm giống như tôi, mà là các quý bà già nhỏ bé lau rửa bậc thềm nhà thờ, kiêng ăn và cầu nguyện mỗi ngày. Họ nổi bật lên. Tôi có thể chỉ ra người nầy và người kia. Bạn có thể thấy họ. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa việc thấy những Cơ Đốc nhân riêng biệt và một thân thể bị đóng đinh. Chúng ta là thân thể của Đấng Christ. Khi thế gian nhìn thấy chúng ta là một thân thể bị đóng đinh đã được phục sinh, họ sẽ lắng nghe sứ điệp của chúng ta và đáp lời. Sự Phục Hưng? Sự chết của Chúa Jesus trở thành của chúng ta. Sự phục sinh của Ngài cũng trở thành của chúng ta. Thế gian hoài nghi về chúng ta cùng sứ điệp của chúng ta và họ sẽ càng hoài nghi hơn nữa. Cách giải quyết ra sao? Dĩ nhiên là cầu nguyện. Giảng giải về Phúc Âm cách tuyệt đối! Nhưng chỉ có một điều sẽ đặt đất nước nầy trở lại con đường đến sự phục hưng thật sự. Chỉ có một điều sẽ khiến quốc gia cứng lòng nầy xem xét lại những lời khẳng định của Chúa Jesus. Đó sẽ không phải là vài kẻ lạm dụng tín nhiệm đến từ Mỹ với những chiếc nhẫn to và xe hơi sang trọng khác thường để nói với họ rằng Đức Chúa Trời muốn họ giàu có. Đó cũng sẽ không phải là những người đối xử giống kẻ điên rồ trong vài nhà thờ ở Toronto. Cách đối xử kỳ lạ của họ sẽ ngăn cản người ta tin Chúa. Điều gì khiến họ sẽ tin khi chúng ta có câu trả lời cho sự thỉnh cầu của họ: “Hãy chỉ cho tôi một thân thể bị đóng đinh và phục sinh. Hãy tỏ cho tôi thấy!” Phao-lô có thể nói: “Đây!” Rose Werner có thể nói: “Đây!” Một thân thể bị đóng đinh là nơi mà mỗi và mọi người chúng ta có thể đứng lên và nói: “Đây!” Hãy Chỉ Cho Tôi Chúa Jesus Richard Wurmbrand là tín nhân Do Thái.* Ông là bạn của vợ tôi, họ đã nói chuyện với nhau bằng tiếng Ru-ma-ni. Ông kể về một người nông dân tin Chúa, bị bắt giam và bị tra tấn vì đức tin của mình. Cũng có một khoa học gia ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Bucharest. Người nầy chỉ là nhà khoa học, không tin vào Đức Chúa Trời, nhưng bị giam vào ngục và họ đã tra tấn ông. Có gian phòng nhỏ với độ bốn mươi người sống trong đó, bập bềnh trên bờ vực đói khát, mỗi người đều bị đánh đập nhiều lần. Người nông dân, không phải là người được giáo dục, đi xung quanh làm chứng cho người khác về ai là người đang chết với mình. Wurmbrand đã ở đó. Nhà khoa học, người vốn có trí tuệ lỗi lạc, bắt đầu nhạo bang người nông dân. Ông ta nói: “Làm sao ông có thể hạnh phúc được? Làm thế nào ông có thể nói ông có niềm vui khi việc nầy đang xảy đến với ông? Ông không biết rằng thậm chí họ có thể đã giết chết gia đình ông.” Mỗi ngày họ mang ra ngoài hai hoặc ba xác người và mỗi người đều tự hỏi phải chăng mình sẽ là người kế tiếp. “Tại sao ông hạnh phúc?” Người nông dân nói: “Tôi đã nói với ông nhiều lần, tôi hạnh phúc bởi vì Chúa Jesus.” * Richard Wurmbrand là mục sư Lutheran, người Ru-ma-ni gốc Do Thái, bị bắt giam và bị tra tấn hơn 14 năm vì đức tin mình. Ông là người sáng lập ra tổ chức Tiếng Nói Người Tuận Đạo, bênh vực và giúp đỡ tín nhân bị bắt bớ trên toàn thế giới. ND. Có nhớ tiên tri Giê-rê-mi không? Giê-rê-mi có một niềm vui thích. Không thể ngồi tham dự trong vòng những người dự hội hè đình đám, nhưng ông vẫn vui vẻ. Nhà khoa học nói: “Chúa Jesus ư! Ông hạnh phúc bởi vì Chúa Jesus! Ông thấy Chúa Jesus sao?” “Ồ, vâng, tôi thấy Ngài mỗi ngày,” người nông dân trả lời. – “Ông nói chuyện với Chúa Jesus?” – “Tôi nói chuyện với Chúa Jesus mỗi ngày.” – “Chúa Jesus nói chuyện lại với ông sao? – “Vâng, Ngài nói chuyện với tôi mỗi ngày.” – “Chúa Jesus làm gì? Ngài từng mĩm cười với ông sao?” – “Vâng, Chúa Jesus mĩm cười với tôi.” – “Hãy chỉ cho tôi Chúa Jesus khi mĩm cười Ngài như thế nào? Người nông dân nói: “Giống như vầy.” Và vinh quang Shekinah* đã đến trên khuôn mặt của người nông dân nầy. Nhà khoa học đổ phục xuống, bắt đầu đập nắm tay mình trên sàn phòng và nói: “Tôi đã nhìn thấy Chúa Jesus.” Và ông đã trở thành một tín nhân. *Shekhinah (còn được gọi là Shekinah , Shechinah, Shekina, Shechina, Schechinah) là từ Anh ngữ của từ giống cái tiếng Hebrew, nghĩa là ngự trị (dwelling) hoặc bố trí (settling) thường được dùng để biểu thị sự hiện diện ngự trị hoặc bố trí của Đức Chúa Trời, đặc biệt trong đền thờ Jerusalem. ND. Hội Thánh Lao-đi-xê Chúng ta đang sống trong những ngày của Hội Thánh Lao-đi-xê (Khải 3:14-22), một Hội Thánh hâm hẩm, đó là kiêu ngạo, nặng về vật chất và mù tịt về tình trạng thật của mình. Nan đề đầu tiên của Hội Thánh Lao-đi-xê là không biết về mình. Họ không nhận ra mình hâm hẩm. Bởi sung túc về vật chất và tài chánh, họ nghĩ rằng mình sẽ thịnh vượng về tâm linh, nhưng không phải như vậy. Còn một chút thành tín trong Hội Thánh Lao-đi-xê, Chúa Jesus phán: “Phàm những kẻ Ta yêu thì ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng và ăn năn đi” (Khải 3:19). Tôi muốn Chúa sửa những điều sai trái trong tôi, bởi vì khi Ngài đến, tôi muốn được chuẩn bị sẵn sàng. “Nó Ở Đây!” Lời giảng nhẹ nhàng và nhạc rock sẽ không mang đến sự phục hưng. Phong trào tăng trưởng Hội Thánh có thể không mang lại sự phục hưng. Sống Đúng Mục Đích (The Purpose Driven Life) sẽ không mang lại sự phục hưng. Phúc Âm đầy dẫy niềm tin có thể không mang lại sự phục hưng. Không có gì trong chất liệu đó đã mang lại sự phục hưng. Con người ngày nay không còn tin nữa. Họ quá đa nghi. Và, quả thật tôi nói cùng các bạn, khi nhìn vào vài điều đang hiện diện trong danh Cơ Đốc giáo ngày nay, tôi không đổ lỗi cho họ. Nếu chưa được cứu, tôi cũng sẽ rất hoài nghi. “Hãy chỉ cho tôi. Hãy cho tôi thấy, rồi tôi sẽ tin. Hãy cho tôi thấy một thân thể bị đóng đinh và phục sinh, rồi tôi sẽ tin.” Họ sẽ tin khi chúng ta có thể nói: “Nó ở đây!” James Jacob Prasch Translator into Vietnamese: Dan Nguyen
April 3, 2025
Bắt Đầu Trước Khi Đến Cha-ran Hình Thể Học Về Ai Cập Những Lời Hứa Cho Áp-ra-ham Con Của Áp-ra-ham Chuyến Hành Trình Giống Như Của Chúng Ta Si-chem Hình Thể Học Về Cây Cối Từ Si-chem Đến Bê-tên Một Lần Nữa, Hy Sinh Đi Đến Ai Cập Bạn Không Bao Giờ Có Thể Vẫn Như Vậy Khôi Phục Lại Hành Trình Ban Đầu Từ Hội Thánh Đến Thông Công Bê-tên Sẽ Dẫn Đến Nan Đề Những Cư Dân Bê-tên Tất Cả Chúng Ta Ở Nơi Nào Đó Trên Hành Trình Xin hãy mở với tôi Sáng Thế Ký đoạn 12. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chúng tôi gọi sách Sáng Thế Ký là “B’reshit” – “Ban đầu.” Đây là khoảng hơn 2.166 năm trước khi Chúa Jesus giáng sinh. Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram… [Vào lúc nầy là “Áp-ram” – chưa phải là “Áp-ra-ham.”] “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. Rồi, Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy; Lót đồng đi với người. Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, tuổi người được bảy mươi lăm. Áp-ram dẫn Sa-rai… [Sa-rai, trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “công chúa của tôi.”] ...vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia tài đã thâu góp, và các đầy tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an; rồi, chúng đều đến xứ Ca-na-an. Áp-ram trải qua xứ nầy, đến cây dẻ bộp của Mô-rê, tại Si-chem. Vả, lúc đó, dân Ca-na-an ở tại xứ. Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram mà phán rằng: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy! Rồi tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người. Từ đó, người đi qua núi ở về phía đông Bê-tên, rồi đóng trại; phía tây có Bê-tên, phía đông có A-hi. Đoạn, người lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va và cầu khẩn danh Ngài. Kế sau, Áp-ram vừa đi vừa đóng trại lần lần đến Nam phương. Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém; sự đói kém ấy lớn, nên Áp-ram xuống xứ Ê-díp-tô mà kiều ngụ. Khi hầu vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta… [và thực ra bà là em cùng cha khác mẹ với ông…] hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta. Áp-ram vừa đến xứ Ê-díp-tô, dân Ê-díp-tô nhìn thấy người đàn bà đó đẹp lắm. Các triều thần của Pha-ra-ôn cũng thấy người và trầm trồ trước mặt vua; đoạn người đàn bà bị dẫn vào cung Pha-ra-ôn. Vì cớ người, nên Pha-ra-ôn hậu đãi Áp-ram, và Áp-ram được nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái. Song vì Sa-rai, vợ Áp-ram, nên Đức Giê-hô-va hành phạt Pha-ra-ôn cùng nhà người bị tai họa lớn. Pha-ra-ôn bèn đòi Áp-ram hỏi rằng: Ngươi đã làm chi cho ta vậy? Sao không tâu với ta rằng là vợ ngươi? Sao đã nói rằng: Người đó là em gái tôi? Nên nỗi ta đã lấy nàng làm vợ. Bây giờ, vợ ngươi đây; hãy nhận lấy và đi đi. Đoạn, Pha-ra-ôn hạ lịnh cho quan quân đưa vợ chồng Áp-ram cùng hết thảy tài vật của người đi. Đoạn 13 Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót, đồng trở lên Nam phương. Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. Người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên, đến nơi người đã đóng trại ban đầu hết, ở về giữa khoảng Bê-tên và A-hi, là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót. Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả. Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau. Bắt Đầu Trước Khi Đến Cha-ran Có vài việc mà người Do Thái xa xưa biết không được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước, nhưng sau đó được ghi lại trong Tân Ước . Bài giảng của Ê-tiên trước khi tuận đạo trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 7, kể cho chúng ta vài điều về hành trình của Áp-ra-ham không được chép trong Sáng Thế Ký. Trong Công Vụ 7, ông nói điều nầy… “Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ chúng ta là Áp-ra-ham, khi người còn ở tại Mê-sô-bô-ta-mi, chưa đến ở tại Cha-ran, mà phán rằng: Hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi, mà đi đến xứ Ta sẽ chỉ cho. SaSt 12:1 Bấy giờ người ra khỏi xứ Canh-đê, rồi đến thành Cha-ran. Từ đó, lúc cha người qua đời rồi, Đức Chúa Trời khiến người từ nơi đó qua xứ các ông hiện đang ở” (Công 7:2-4). Sách Công Vụ cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham ở Mê-sô-bô-ta-mi – U-rơ thuộc xứ Canh-đê. Sáng Thế Ký tìm được câu chuyện ở Cha-ran rất lâu sau đó . Áp-ra-ham là cha của tất cả những ai tin – Người Do Thái, người Ả-rập, thậm chí người Hồi giáo cũng trông cậy vào Áp-ra-ham. Người Ả-rập gọi ông là “Ibrahim,” người Do Thái gọi là “Abba Abraham” – “Cha Áp-ra-ham.” “Cha của tất cả những ai tin” có nghĩa ông cùng loại người với chúng ta. Kinh nghiệm của ông báo trước những gì sẽ xảy ra cho hậu duệ ông. Mặt khác, những gì đã xảy ra với ông, sẽ xảy ra cho chúng ta . Điều nầy được gọi là midrash. Chúng ta hãy xét xem một ví dụ rất nổi tiếng về midrash. Hình Thể Học* Về Ai Cập Hãy hiểu cụm từ “ra khỏi Ai Cập” (ra khỏi xứ Ê-díp-tô). a) Trong một cơn đói kém, Áp-ra-ham đi vào Ai Cập và cư ngụ nơi đó b) Đức Chúa Trời phán xét Pha-ra-ôn c) Áp-ra-ham ra khỏi Ai Cập d) Đi vào Israel. *Nguyên văn “typology” (tạm dịch là hình thể học). Theo Tự Điển Oxford Dictionaries, typology được định nghĩa là môn học nghiên cứu và phân tích bằng cách dùng sự phân loại (classification) theo kiểu, loại (type) nói chung, trong khảo cổ học, tâm lý học, hoặc các ngành khoa học xã hội (social science). Môn học nầy lúc đầu là nhằm nghiên cứu và giải thích các loại hình, kiểu mẫu, và biểu tượng (symbols) trong Thánh Kinh. ND. Sau đó hậu duệ của ông, các con trai của Gia-cốp, đi vào Ai Cập trong một cơn đói kém. Sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống Pha-ra-ôn – một Pha-ra-ôn gian ác và hậu duệ của Áp-ra-ham làm điều mà Áp-ra-ham đã làm: Họ ra khỏi Ai Cập mang theo của cải Ai Cập vào Israel. Như vậy điều xảy ra với Áp-ra-ham cũng xảy ra với người Do Thái, hậu duệ thuộc về sinh học của ông. Nhưng điều xảy ra cho chúng ta được Phao-lô nói trong I Cô-rinh-tô. Ai Cập là hình bóng (kiểu cách) của thế gian và Đất Hứa là hình bóng của thiên đàng. Lúc Môi-se thực hiện giao ước vẫy huyết lên dân sự, dẫn họ qua Biển Đỏ vào Đất Hứa, cũng một cách như Chúa Jesus đi lên đồi Gô-gô-tha, thực hiện giao ước với huyết của chính Ngài và mang chúng ta ra khỏi thế gian qua phép Báp-têm để vào thiên đàng (I Côr. 10). Chúng ta ra khỏi “Ai Cập.” Dĩ nhiên Pha-ra-ôn ở lại, hình bóng của ma quỷ, thần của thế gian. Nhưng hắn cũng là kiểu cách chính của Antichrist, kẻ sắp đến. Như vậy Áp-ra-ham ra khỏi Ai Cập, hậu duệ Do Thái của ông ra khỏi Ai Cập và chúng ta trong sự cứu rỗi bởi vì ông là cha của tất cả những ai tin – chúng ta ra khỏi Ai Cập . Giờ đây nhiều người có nan đề, đặc biệt là các nhà thần học tự do, trong Ma-thi-ơ 2:15… “Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô [Ai Cập].” … khi vua Hê-rốt chết. Ma-thi-ơ trích dẫn từ tiên tri Ô-sê 11:1, nhưng Ô-sê đang nói về việc di cư của người Do Thái. Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó; ta gọi con trai ta ra khỏi Ê-díp-tô (Ô-sê 11:1). Làm sao mà Ma-thi-ơ lại lấy bản văn dùng cho người Do Thái trong việc di cư để nói về Chúa Jesus? Vâng, bởi vì cách lý giải về lời tiên tri của người Do Thái là “kiểu mẫu.” Áp-ra-ham ra khỏi Ai Cập, người Do Thái ra khỏi Ai Cập,, chúng ta ra khỏi Ai Cập và Chúa Jesus là con cháu Áp-ra-ham, vì vậy Ngài phải ra khỏi Ai Cập. Chúa vừa khớp với kiểu mẫu. Đức Chúa Trời một lần nữa phán xét một vua gian ác – Hê-rốt – và trong tính cách của Áp-ra-ham, con cháu của Áp-ra-ham (Chúa Jesus) ra khỏi Ai Cập. Lời tiên tri của người Do Thái là kiểu mẫu . Cuối cùng việc ra khỏi Ai Cập là sự cất lên và phục sinh của Hội Thánh. Những sự trừng phạt trên Ai Cập trong Sách Xuất Ê-díp-tô Ký được tái diễn trong sách Khải Huyền; bóng tối, huyết, vân vân. Và cách mà Pha-ra-ôn giả mạo các phép lạ của Môi-se và A-rôn là cách mà Antichrist và các tiên tri giả sẽ giả mạo các phép lạ của Chúa Jesus và những chứng nhân của Ngài (Khải 13:13, 14). Họ đã mang xương cốt của Giô-sép theo họ ra khỏi Ai Cập để vào trong Đất Hứa bởi vì “những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết,” chúng ta cùng ra khỏi Ai Cập. Đó là hình ảnh của sự phục sinh. Đó là điều tốt nhất của việc ra khỏi Ai Cập. Lời tiên tri của người Do Thái luôn luôn là kiểu mẫu, với nhiều sự hoàn thành. Nhưng mỗi sự hoàn thành là một “kiểu” hoặc điềm báo trước của việc hoàn thành sau cùng. Đó là thật với cuộc đời của Áp-ra-ham. Những trải nghiệm của ông được tái diễn bởi người Do Thái và bởi những tín nhân; chúng ta ra khỏi Ai Cập. Những Lời Hứa Cho Áp-ra-ham Đức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham năm lời hứa (Sáng 12:2, 3; 13:14). a) Ngài sẽ làm nổi danh ngươi (điều đó chắc chắn đã xảy ra); b) Ngài hứa ban cho ông xứ (xảy ra lúc cuối cùng); c) Ngài hứa làm cho ông nên một dân lớn (đang xảy ra); d) Đức Chúa Trời cũng hứa Ngài sẽ ban phước cho người nào chúc phước Áp-ra-ham – Lời hứa nầy rồi được truyền đạt lại cho Gia-cốp và hậu duệ của Áp-ra-ham qua các tộc trưởng – và e) Ngài sẽ rủa sả kẻ nào rủa sả Áp-ra-ham và hậu duệ ông. (Và điều nầy đã luôn luôn xảy ra). Đây là vài ví dụ hiện đại về việc: “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi.” Mỹ là một quốc gia tội lỗi. Ma túy, vô đạo đức, tham lam, hay thay đổi, vân vân. Sự trừng phạt của Đức Chúa Trời sẽ giáng vào Hoa Kỳ đã lâu, nếu không vì hai lý do: Ba trong số năm đô-la dùng cho truyền giáo, giảng Phúc Âm và từ thiện trên thế giới đến từ Bắc Mỹ; còn lý do kia là Mỹ đã bảo vệ cho người Do Thái tốt hơn các quốc gia khác. Điều tương tự sẽ là thật đối với Hòa Lan. Sự vô đạo đức ở Hòa Lan thật kinh khiếp. Bạn không thể tin nỗi. Nhưng người Hòa Lan đã bảo vệ người Do Thái trong việc tàn sát thời Hitler. Tôi tin chắc rằng đây là điều duy nhất đã giữ lại cánh tay trừng phạt của Đức Chúa Trời. Trong bất kỳ sự kiện nào, Chúa sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho người Do Thái và Ngài sẽ rủa sả kẻ nào rủa sả người Do Thái. “và rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.” Có thể bạn đã xem phim về việc tàn sát người Do Thái thời Hitler, Bản Danh Sách Của Schindler (Schindler’s List). Khi bọn Quốc Xã tiếp quản nước Đức, họ xây những bức tường quanh các khu vực người Do Thái sinh sống (ghetto). Bất kỳ người Do Thái nào trèo qua tường sẽ bị chúng bắn bằng súng máy. Rồi điều gì xảy ra? Khi Đế Chế Thứ Ba Đức (sự cai trị của Hitler) sụp đổ, một bức tường được xây dựng quanh thành phố Berlin, thủ đô vĩ đại của Đức Quốc Xã và bất kỳ người Đức nào trèo qua tường sẽ bị lính Nga bắn bằng súng máy. Bạn có biết rằng bức tường Berlin đã không đổ xuống cho đến khi Rudolph Hess* chết trong nhà tù Spandau không? Không phải cho đến khi Hess, đảng viên Quốc Xã cuối cùng chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra trong thập niên 30 và 40 đã chết, thì bức tường mới đổ xuống. * Rudolph Walter Richard Hess (26.4.1894-17.8.1987) là nhân vật lỗi lạc của Đức Quốc Xã, đại diện cho Hitler trong Đảng. Ông ta bị kết án tù chung thân ở Tòa Án Nuremberg và chết ở nhà tù Spandau, Berlin vào năm 1987. ND. Ông bà tôi đến từ nước Anh. Đế quốc Anh đã từng vĩ đại. Nếu bạn nói với ông bà tôi rằng thời gian tới đế quốc Anh sẽ sụp đổ thì họ sẽ cười bạn. Nhưng Anh quốc đã ký vào Bản Tuyên Ngôn Balfour,* hứa cho người Do Thái một xứ sở ở Israel. Rồi sau khi hứa cho người Do Thái quyền trở về, họ đã rút lại Bản Tuyên Ngôn Balfour và người Do Thái đi vào các trại tập trung Quốc Xã. Thậm chí sau chiến tranh, khi việc tàn sát người Do Thái được biết là đã xảy ra, Anh quốc lại đưa người Do Thái trở lại các trại cải tạo ở Cypress ngăn họ đi đến Israel, để không làm người Hồi giáo khó chịu. Giờ đây đế quốc Anh vĩ đại chỉ còn trong ký ức. Tôi biết bởi vì tôi sống ở đó. * Balfour Declaration được áp dụng cho hai tuyên bố chính sánh then chốt của chính phủ Anh quốc kết hợp với các chính khách đảng Bảo Thủ và cựu Thủ Tướng Arthur Balfour. Bản Tuyên Ngôn Balfour 1917 (02.11.1917) là bức thư mà Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh quốc Lord Arthur Balfour trao cho Nam Tước Rothschild, được xem như đại diện cho người Do Thái. Bản Tuyên Ngôn Balfour 1926 (15.11.1926) được đề xuất bởi Thủ Tướng Nam Phi Hertzog và Thủ Tướng Canada William Lyon Mackenzie King. ND. Tòa Án Dị Giáo Tây Ban Nha (Inquisition). Tây Ban Nha từng là quyền lực lớn của thế giới, họ là những người xuất chúng ở Tân Thế Giới (Châu Mỹ) cho đến khi có Tòa Án Dị Giáo. Năm 1492, Columbus khám phá ra Châu Mỹ, rồi dưới quyền của Ferdinand và Isabella, tòa án dị giáo bắt đầu (do đề nghị của Hội Thánh Công Giáo La Mã). Thời kỳ nầy không quá lâu trước khi Francis Drake, thuyền trưởng hải quân Anh quốc đánh chìm tàu Tây Ban Nha Armada, rồi Đế Quốc Anh nổi lên: “Người Anh cai trị biển cả.” “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi và rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi.” Con Của Áp-ra-ham Ân huệ đặc biệt nầy không phải vì người Do Thái tốt hơn các dân tộc khác – mà là bởi lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham. Điều nầy đúng với Hội Thánh vì Cơ Đốc nhân cũng là con của Áp-ra-ham. Tín hữu được tái sanh và người Do Thái là hai loại người duy nhất mà Thánh Kinh gọi là “Tuyển Dân của Đức Chúa Trời” (Thi 105:6; II Tês. 2:13). Trong Sáng 3:15… “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau...” “Người nữ” ở đây là Israel cũng là Hội Thánh được mở rộng và hợp tác (Sách Rô-ma dạy rằng chúng ta được tháp vào Israel). Bạn sẽ thấy rằng hai loại người mà Satan luôn ghét nhất là người Do Thái và Cơ Đốc nhân tái sanh. Họ là hai loại người hậu tự của Áp-ra-ham được gọi là “dân sự của Đức Chúa Trời.” Trong lịch sử ai là người bị Hội Thánh Công Giáo La Mã bắt bớ nhiều nhất? Người Do Thái và Cơ Đốc nhân tái sanh. Ai là người mà Hồi Giáo ghét nhất? Người Do Thái và Cơ Đốc nhân tái sanh. Chính Thống Giáo Đông Phương cũng vậy. Đức Chúa Trời sẽ ban phước những người chúc phước cho hậu tự của Áp-ra-ham, cả hậu tự về sinh học và hậu tự bởi đức tin của ông. Và Ngài sẽ rủa sả người nào rủa sả họ. Ai rủa sả người Do Thái hoặc rủa sả Hội Thánh thật tức là đụng đến con ngươi của mắt Ngài (Xa-cha-ri 2:8). Nhưng câu chuyện của Áp-ra-ham còn hơn là việc nầy. Chuyến Hành Trình Giống Như Của Chúng Ta Đó là hành trình của Áp-ra-ham. Hành trình của ông giống như của chúng ta. Sách Sáng Thế Ký cho chúng ta biết hành trình bắt đầu ở Cha-ran, khi cha ông qua đời. Đó là lúc ông đáp lời kêu gọi của Đức Chúa Trời. Nhưng Tân Ước nói rằng đó không phải lúc Đức Chúa Trời kêu gọi. Lời kêu gọi của Đức Chúa Trời bắt đầu ở U-rơ thuộc về xứ Canh-đê, nơi tháp Ba-bên độ chừng được xây dựng và đó là chỗ mà sau nầy đế quốc Ba-by-lôn nổi lên. Chúng ta được nghe kể từ truyền thống Do Thái, trong văn học Kinh Talmud rằng cha của Áp-ra-ham là người buôn hình tượng. Và có câu chuyện trong Kinh Talmud – dĩ nhiên chỉ là câu chuyện – rằng Áp-ra-ham đã lấy búa và đập vỡ tất cả hình tượng của cha mình, ngoại trừ một cái và ông đặt cây búa vào tay của pho tượng còn lại đó. Rồi Tha-rê, cha ông đi vào và hỏi: “Ai đã giết tất cả những hình tượng nầy?” Áp-ra-ham nói: “Pho tượng đó đã làm, pho tượng đang cầm búa.” Cha ông nói: “Không thể được! Nó chỉ là mảnh đá, không có hơi thở và sự sống trong đó!” Áp-ra-ham đáp: “Chính xác, hỡi cha – chính xác.” Đó chỉ là câu chuyện ở Kinh Talmud. Cha ông là người buôn tượng. Không phải đến lúc cha ông chết, vào điểm khủng hoảng trong cuộc đời, ông mới đáp lời kêu gọi mà Đức Chúa Trời ban cho lúc còn trẻ, mà là lúc sớm hơn nhiều ở U-rơ thuộc về xứ Canh-đê. Rất thường xảy ra cho dân sự. Đức Chúa Trời đang lôi kéo họ, Đức Chúa Trời kêu gọi họ luôn luôn, nhưng phải vào lúc khủng hoảng trong đời sống, họ mới đáp lại ân điển và sự kêu gọi của Ngài. Đôi khi đó là cái chết của một người thân yêu, những lúc khác là tai họa tài chánh, khủng hoảng sức khỏe hay kết hợp các loại. Đức Chúa Trời ở ngoài việc cứu dân sự. Ngài kêu gọi, kêu gọi và kêu gọi, nhưng khi dân sự không đáp lời, thậm chí Chúa sẽ dùng tai họa để cho họ được cứu. Bạn thấy, những kẻ Ngài đã biết trước (Rôm. 8:29). Tôi không phải là người theo giáo phái Cải Chánh (Calvinist) nhưng Đức Chúa Trời đã biết chúng ta trước khi sáng thế và Ngài bắt đầu kéo chúng ta từ lúc thụ thai, từ thời thơ ấu. Khi người nào được tái sanh, khi ai đó hiểu biết sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus, khi đầu tiên bạn được cứu, không chỉ có ý nghĩa cho tương lai bạn, không chỉ có ý nghĩa cho hiện tại bạn, mà còn cho cả quá khứ của bạn nữa. Đó là tất cả những cú nhắp. Bạn từng đến để biết Chúa, bạn nhận thức được tại sao cuộc đời mình là như vậy. Những việc đã xảy ra bạn không thể thật sự hiểu. Phải chăng đó là loại tư tưởng đã đi qua đầu bạn trên giường trước khi bạn thiếp vào giấc ngủ vào ban đêm, phải chăng đó là các trải nghiệm bạn có, hoặc chỉ là những ấn tượng không có ý nghĩa nào. Thế nhưng khi bạn nhận thức mình được cứu thật sự, “Đó là lúc Đức Chúa Trời đang kéo tôi theo mục đích và thời điểm nầy khi tôi đã đến để biết Chúa qua Con Ngài.” Khi ai đó được tái sanh, không chỉ tương lai họ có ý nghĩa, không chỉ hiện tại họ có ý nghĩa, nhưng cả quá khứ cũng có ý nghĩa. Đức Chúa Trời đang kéo tất cả chúng ta theo. Nhưng giống như cha Áp-ra-ham – Áp-ra-ham, cha chúng ta, rất thường dùng sự khủng hoảng cho chúng ta để đáp lại ân điển và lời kêu gọi của Chúa. Nhưng rồi cuộc hành trình thật sự bắt đầu. Rời khỏi gia đình là điều khó khăn, nhưng rất thường đó là điều Phúc Âm đòi hỏi. Điều nầy chắc chắn đúng trong dân Do Thái. Nó cũng đúng trong dân Hồi Giáo, Công Giáo La Mã, Phật Giáo – Nó có cùng nguyên tắc. Phao-lô nói trong II Tê-sa-lô-ni-ca rằng ngay cả người ngoại cũng bị hất hủi, loại bỏ như người Do Thái từ chính gia đình mình. Chúa Jesus đến để mang sự phân rẽ (Lu. 12:51). Thật tuyệt diệu khi cả gia đình được cứu, nhưng thực tế là bị sự chết phân rẽ và cách duy nhất bạn có thể ở cùng gia đình mình là họ cũng được cứu. Si-chem Như vậy ông bắt đầu hành trình mình và nơi dừng đầu tiên trong hành trình sau khi gặp Chúa là Si-chem – “Shakem.” “Shakem” là loại từ ngữ trong tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về “vai.” Không phải là vai trong khoa giải phẩu cơ thể, mà là ý tưởng về việc mang gánh nặng. Nó gần thành phố Nablus ngày nay. Tại Si-chem, Áp-ra-ham ở dưới cây dẻ bộp (oak – cây sồi) gọi là “cây dẻ bộp của Mô-rê.” Mô-rê theo từ ngữ Hê-bơ-rơ hiện đại là “thầy giáo” (teacher) nhưng tiếng Hê-bơ-rơ cổ là “sự hiểu biết,” đặc biệt là hiểu biết về Đức Chúa Trời. Hình Thể Học Về Cây Cối Bạn phải hiểu điều gì đó từ midrash (nghiên cứu) của người Do Thái về việc ở dưới cây. Nếu Cơ Đốc nhân Do Thái ở thế kỷ thứ I đọc Phúc Âm Giăng – Giăng 1, 2 và 3 – người đó sẽ nói rằng Phúc Âm Giăng là một midrash “nghiên cứu” trên sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký. Sự sáng tạo trong Giăng 1, 2 và 3 là một midrash trên sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1, 2 và 3. ▪ Người đó sẽ nói “Đức Chúa Trời đã đi trên đất trong sự sáng tạo. (Hãy nhớ rằng A-đam nghe tiếng Đức Chúa Trời đi trong Vườn? Đó là Chúa Jesus). Giờ đây Đức Chúa Trời đi trên đất trong sự sáng tạo mới; Ngôi Lời trở nên xác thịt” (Gi. 1:14). ▪ Người đó sẽ nói “Đức Chúa Trời đến để phân sáng ra khỏi tối trong sự sáng tạo ở Sáng Thế Ký, nhưng giờ đây Đức Chúa Trời đến để phân sáng ra khỏi tối trong sự sáng tạo mới ở Giăng.” ▪ Người đó sẽ nói “Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước và mang đến sự sáng tạo trong Sáng Thế Ký. Được sanh bởi nước và Thánh Linh, Đức Chúa Trời mang sự sống mới từ nước trong sự sáng tạo mới.” ▪ Người đó sẽ nói “Trong sự sáng tạo ở Sáng Thế Ký, bạn có ánh sáng nhỏ và ánh sáng lớn, nhưng trong sự sáng tạo mới, bạn có “Johannan Hamadvil” – Giăng Báp-tít ánh sáng bé tí và “Yeshua Hamashiach” – Chúa Jesus ánh sáng vĩ đại, một lời chứng cho người khác, ánh sáng phản chiếu của người khác.” ▪ Người đó sẽ nói “Vào ngày thứ ba trong sự sáng tạo ở Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời làm phép lạ với nước. Hãy xem và để ý trong Giăng 2:1, đám cưới tại Ca-na, chép rằng đó là ngày thứ ba. Đức Chúa Trời làm phép lạ với nước.” ▪ Người đó sẽ nói “Đức Chúa Trời đã bắt đầu kế hoạch của Ngài sáng tạo con người với lễ hôn nhân, kết hợp chồng vợ giữa A-đam và Ê-va. Do vậy giờ đây Đức Chúa Trời bắt đầu kế hoạch của Ngài sự sáng tạo mới cho con người với đám cưới tại Ca-na. Mục vụ công khai đầu tiên của Chúa Jesus là tại một đám cưới.” Đó là cách mà người đó hiểu. Sự sáng tạo mới là một midrash trên sự sáng tạo. Nhưng rồi trong Giăng 1, Na-tha-na-ên hỏi Chúa Jesus: “Bởi đâu Thầy biết tôi?” Đức Chúa Jesus đáp rằng: “Ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả” (Gi. 1:48). Bất kỳ cây vả tầm thường nào mà Chúa Jesus đã thấy Na-tha-na-ên ở dưới, cây vả đó trong midrash được gọi là “peshit” – “ý nghĩa đơn sơ.” (Đây không phài là Thuyết Ngộ Đạo bây giờ. Thuyết Ngộ Đạo [Gnosticism] dùng biểu tượng làm căn bản cho học thuyết, trong midrash bạn dùng biểu tượng để minh họa học thuyết). Peshit là “Ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.” Nhưng “pesshur” – “ý nghĩa sâu xa hơn” là “Ta đã thấy ngươi trong Vườn, từ buổi sáng thế.” Trong Do Thái giáo, Cây Sự Sống, “Ets Chayim,” được miêu tả bằng cây vả. Vì vậy Chúa Jesus đang nói với người đó, “Sự sáng tạo hoặc sự sáng tạo mới, Ta biết ngươi bởi vì Ta đã biết ngươi ở Vườn từ thuở sáng thế. Ta đã thấy ngươi dưới Cây Sự Sống” – Ets Chayim, cây vả. Như vậy nơi đây Áp-ra-ham ở dưới cây dẻ bộp* (oak tree - cây sồi). “Sồi” trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là “elon.” Đó là loại cây có gỗ rất cứng; đó là loài cây vững chắc; đó là loài cây của sức mạnh. Bất kỳ khi nào bạn thấy người nào ở dưới cây trong Thánh Kinh, một cách tượng hình nghĩa là một điều gì đó trong midrash của người Do Thái. Trước khi bị giết, vua Sau-lơ đã ngồi dưới cây liễu xủ tơ (I Sam. 22:6). Khi ở trong tình trạng ngã lòng, tiên tri Ê-li đã ngồi dưới cây giếng giêng (I Vua 19:4). Nhưng nơi đây Áp-ra-ham ở dưới cây sồi của Mô-rê – ông ở nơi của sức mạnh do bởi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. *(Bản Thánh Kinh Việt Ngữ Truyền Thống dịch là cây dẻ bộp. ND). “Si-chem” là nơi bạn đặt gánh nặng của mình xuống và bạn tiến đến sự hiểu biết đầu tiên của mình về Đức Chúa Trời. Đoạn, Áp-ra-ham lập tại đó một bàn thờ và dâng của lễ. Tại bất kỳ thời điểm thay đổi nào trong mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta lập một bàn thờ. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, chúng ta gọi bàn thờ là “mizbeach” và nó chỉ có một mục đích duy nhất, hy sinh điều gì đó. Không hy sinh, không tiến triển. Từ Si-chem Đến Bê-tên Càng xa càng tốt – Áp-ra-ham đến Si-chem. Nhưng rồi ông chuyển đến điểm dừng kế tiếp. Nơi dừng chân kế tiếp của ông được gọi là Bê-tên, trong tiếng Hê-bơ-rơ là “Beyth El” – “Nhà của Đức Chúa Trời.” Sau khi ai đó tin Chúa thì việc đầu tiên họ nên làm bình thường là đi đến nhà thờ. Giờ đây Bê-tên ở phía tây, còn một nơi được gọi là A-hi ở phía đông. “A-hi” trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “một đống đổ nát.” Áp-ra-ham dựng một bàn thờ khác tại Bê-tên và quay lưng về hướng đông, chỗ ông đã đến từ nơi tháp Ba-bên, nơi đế quốc Ba-by-lôn. Quá khứ của ông, phía đông, nơi ông đã đến trở thành đống đổ nát và ông đối mặt với nhà Đức Chúa Trời. Nó giống như cách mà thầy tế lễ thượng phẩm dâng của lễ. Ông phải quay lưng về phía đông, về phía Ba-by-lôn và đối mặt với phía tây. Ở đó ông dựng một bàn thờ khác. Một Lần Nữa, Hy Sinh Khi đến nhà thờ bạn phải trả cái giá nào đó. Tôi không có ý nói về những gì bạn đặt vào hộp tiền dâng. Ý tôi là bạn phải quay lưng lại với quá khứ của mình. Những bạn cũ của bạn trở nên không còn thân thuộc nữa. Lợi ích duy nhất của bạn trong mối quan hệ với họ giờ đây là để làm chứng cho họ. Có thể bạn sẽ phải hủy bỏ vài sở thích cũ, ít nhất một khoảng thời gian. Đối với tôi, tôi không thể nghe loại nhạc nào khác ngoài thánh ca truyền thống bởi vì tôi đã kết hợp âm nhạc, đặc biệt nhạc rock và nhạc cổ điển, với việc dùng ma túy. Tôi không thể nghe loại nhạc đó chừng hai năm. Vài năm sau khi tôi đã tăng trưởng trong đức tin mình, nó không còn làm tôi bực mình, nó không còn làm tôi mất tập trung nữa. Giờ đây, nó chỉ là âm nhạc, nhưng vào một lúc nó đã gây cho tôi rắc rối. Một thời gian ngắn nó phải diễn ra trên bàn thờ. Nó không giống những gì phải diễn ra trên bàn thờ vì mọi người, nhưng là điều gì đó sẽ phải diễn ra trên bàn thờ. Chúng ta quay lưng lại với quá khứ. Rõ ràng điều nầy có nghĩa là quay lưng với tội lỗi, nhưng chúng ta phải trả cái giá nào đó. Càng xa càng tốt. Nhưng bạn biết, có những người không bao giờ tiến về phía Bê-tên. Tôi gọi họ là “Những Cư Dân Si-chem.” Họ hiểu Phúc Âm và có thể làm nghề nghiệp về đức tin, nhưng họ chỉ đi đến đó. Họ không đi xa hơn nữa. Tôi biết một “Cư Dân Si-chem” tại London, Anh quốc ở Speaker’s Corner (Góc Diễn Giả), nơi mà đôi khi tôi vẫn giảng Phúc Âm vào chiều Chúa Nhật và bị đám đông chất vấn. Tên anh là Robert – một anh chàng tử tế, anh có tấm bảng lớn đeo phía trước và sau lưng mà ở Anh quốc họ gọi là “bảng quảng cáo” (sandwich board). Tấm bảng được viết, “Đấng Christ đã chết vì tội lỗi của chúng ta” cả phía trước lẫn phía sau và anh mang nó đi vòng quanh Speaker’s Corner. Tất cả người giảng Cơ Đốc nơi đó đều biết nhau vì vậy tôi nói với anh: “Robert, tôi phải đi ngay để kịp nhóm buổi tối ở Hội Thánh tôi.” Anh hỏi tôi Hội Thánh nào tôi đến và tôi nói với anh Hội Thánh đó – đó là một Hội Thánh Báp-tít ở London vào thời gian đó và tôi nói: “Tôi phải đi.” Rồi tôi hỏi: “Hội Thánh nào anh sẽ đến?” Anh đáp: “Tôi đến Hội Thánh Công Giáo High Anglo-Catholic.” Tôi nói: “Tại sao anh không đến Hội Thánh Tin Lành?” Anh trả lời: “Vâng, tôi đã từng đến Hội Thánh Tin Lành, nhưng mọi người đều đã tái sanh. Không còn ai giảng nữa.” Anh hoàn toàn chân thật; anh muốn nói đến điều đó. Anh đã biết Phúc Âm, nhưng dường như đó là tất cả những gì anh biết. Anh không bao giờ đến Bê-tên. Thế nhưng Áp-ra-ham đã đến Bê-tên, ông dựng bàn thờ và quay lưng lại với quá khứ của mình. Nhưng rồi một điều gì đó sai lầm. Đi Đến Ai Cập Ma-thi-ơ đoạn 13 nói về hạt giống rơi vào các loại đất khác nhau. Nếu ma quỷ không thể khiến cho ai đó tái phạm tội hoặc rời khỏi ham muốn xác thịt cùng dục vọng tuổi trẻ hay điều gì tương tự như vậy, nó sẽ dùng việc khác để thử thách: Khủng hoảng – tai họa. Nó sẽ làm cho bạn nghĩ rằng bạn phải nắm lấy số phận của bạn trong chính tay bạn, hoặc cách nào đó Đức Chúa Trời đã bỏ rơi bạn khi sự việc trở nên khó khăn. Và bạn nghĩ rằng phải bắt đầu thực hiện các quyết định của riêng mình. Thật dễ dàng khuyên can một Cơ Đốc nhân trẻ tuổi. Bạn biết, khi người ta đầu tiên được cứu, họ có tình yêu ban đầu và họ nghĩ ngày đầu tiên họ sẽ là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, đi ra ngoài và làm phép lạ. Họ nghĩ họ có thể làm được mọi sự. Họ có tình yêu ban đầu, họ có nhiều nhiệt huyết, nhưng họ không có bất kỳ kinh nghiệm nào. Họ không biết gì nhưng nghĩ rằng mình biết mọi sự. Nhưng các thử thách đầu tiên đến, vài tháng sau họ nhận ra rằng mình biết rất ít. Họ có tình yêu ban đầu – chúng ta phải cho họ điều gì đó mà chúng ta có khuynh hướng đánh mất, song họ không có bất kỳ khôn ngoan, kinh nghiệm hay hiểu biết nào. Và đó là khi họ rơi vào nan đề. Vì vậy Áp-ra-ham làm gì? Ông đi đến Ai Cập. Ai Cập là hình ảnh của gì? Thế gian. Hãy xem Ê-sai đoạn 30, Ê-sai nói gì về việc đi đến Ai Cập. Vua Ê-xê-chia là vị vua tốt nhưng được khuyên bảo tồi. Ông đã ở trong cơn khủng hoảng chiến lược. Ông bị quân A-si-ri xâm phạm ở phía đông và ông có Ai Cập ở phía khác. Ông bị chèn ở giữa hai siêu quyền lực. Ông được khuyên hãy đi đến Ai Cập để xin trợ giúp. Tiên tri Ê-sai đã cảnh cáo chống lại những kẻ đang bảo vua làm điều đó. Hãy xem Ê-sai 30:1 Đức Giê-hô-va phán: Khốn thay cho con cái bội nghịch, lập mưu chẳng bởi ý Ta, kết ước chẳng cậy Thần Ta, Khi bạn thấy người ta đi vào những điều giống như Ecumenism (cố kết hợp các tôn giáo khác nhau hoặc Cơ Đốc giáo thật và Cơ Đốc giáo giả hình lại với nhau), họ thực hiện sự liên hiệp không phải của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Họ đang đi đến Ai Cập, tôn giáo của thế gian. hầu cho thêm tội trên tội; chúng nó chưa hỏi miệng Ta, đã khởi đi xuống Ê-díp-tô, để cậy sức mạnh của Pha-ra-ôn mà thêm sức cho mình, và núp dưới bóng Ê-díp-tô! Hãy để ý rằng không phải họ đi đến Ai Cập, song họ đi mà không hỏi Chúa. Bất cứ khi nào dính dáng với thế gian, bạn phải có sự khôn ngoan và hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Bạn dính líu đến hệ thống hợp pháp của thế gian ư? Bạn phải có sự hướng dẫn của Chúa trong đó. Bạn dính líu đến hệ thống tài chánh, hệ thống y tế, hệ thống học đường của thế gian – bất cứ khi nào bạn dính dáng đến thế gian bạn cần phải hỏi ý Chúa. Tôi sẽ không khuyên bạn nhiều như việc nuốt viên aspirine mà không cầu nguyện trước hết! Nhưng bất cứ khi nào dính dáng đến thế gian, bạn cần phải hỏi ý Chúa. Trong khủng hoảng, xác thịt sẽ có khuynh hướng thiên về những gì xác thịt cho là mạnh mẽ: Thế gian. Cho nên sức mạnh của Pha-ra-ôn sẽ làm sỉ nhục các ngươi, nơi ẩn náu dưới bóng Ê-díp-tô sẽ trở nên sự xấu hổ các ngươi. Bất cứ khi nào ai đó đi vào thế gian họ sẽ chấm dứt trong tình trạng xấu hổ. Những kẻ tái phạm luôn luôn như vậy. Cuối cùng họ sẽ kết thúc ở việc bị sỉ nhục. Hãy xem điều xảy ra với Áp-ra-ham. Ông đi rất thấp, ông thật sự bằng lòng trao vợ mình về phần xác thịt cho kẻ khác. Bạn Không Bao Giờ Có Thể Vẫn Như Vậy Bạn thấy, bạn không bao giờ có thể gặp Chúa Jesus mà vẫn như vậy. Bạn từng đến để biết Chúa, dù bạn sẽ tốt hơn hay tệ hơn, nhưng bạn không thể vẫn như vậy. Nếu quay lại thế gian, bạn sẽ chìm đắm vào mức độ suy đồi đạo đức còn tệ hơn điều bạn đã làm trước khi lần đầu được cứu. Bạn không thể gặp Đấng Christ mà vẫn như vậy; bạn sẽ tốt hơn hoặc sẽ tệ hơn. Nếu trở lại thế gian, bạn sẽ trở nên suy đồi hơn trước khi biết Chúa. Bạn sẽ chìm đắm sâu hơn. Không chỉ vậy, bạn sẽ kết thúc trong tình trạng xấu hổ. Hãy xem Ê-sai 31:1-3 bày tỏ: Khốn thay cho những kẻ xuống Ê-díp-tô đặng cầu cứu, nhờ những ngựa, cậy những xe binh vì nó nhiều, và những lính kỵ vì nó mạnh, mà không ngó về Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và chẳng tìm cầu Đức Giê-hô-va! Nhưng mà Ngài cũng là khôn sáng! Ấy chính Ngài là Đấng giáng tai vạ, chẳng hề ăn lời mình. Ngài sẽ dấy lên nghịch cùng nhà kẻ dữ, và nghịch cùng kẻ giúp bọn gian ác. Vả, người Ê-díp-tô là loài người, không phải là Đức Chúa Trời; những ngựa nó chỉ là xác thịt, không phải là thần. Khi Đức Giê-hô-va sẽ dang tay ra, tức thì kẻ giúp sẽ vấp, kẻ được giúp sẽ ngã, cả hai đều diệt mất. Không có sự giúp đỡ nào của Ai Cập (Ê-díp-tô). Sức mạnh của những ngựa là xác thịt, không phải thần linh. Sự sáng tạo cũ sẽ luôn nhìn vào xác thịt, luôn nhìn vào những vật thế gian xem trọng: tiền bạc, quyền lực, ảnh hưởng, uy tín. Nếu Đức Chúa Trời dùng những vật thế gian, nó sẽ được dùng theo điều kiện Ngài, không bao giờ theo điều kiện của thế gian. Bất cứ khi nào bạn dính dáng đến thế gian, bạn cần hỏi ý Chúa. Nhưng xác thịt muốn tin cậy những vật thế gian; xác thịt muốn tin cậy những vật thế gian xem trọng. Áp-ra-ham tìm con đường khó khăn và ông đi đến đó. Ông đi tất cả con đường thời xưa gọi là Đồng Vắng Su-rơ. Nói cách phỏng chừng, Đồng Vắng Su-rơ nằm ở phía đông khu vực sa mạc Si-nai và phía tây khu vực Nam phương (Negev). Đó là hành trình dài, nóng bức, tất cả mọi con đường đều đổ xuống Ai Cập. Rồi tất cả mọi con đường đồng trở lại Bê-tên trong Sáng 13:1. Khôi Phục Lại Hành Trình Ban Đầu Bạn thấy, bạn tìm lại được nơi mình đã rời bỏ. Trên hành trình mình, Áp-ra-ham có thể ở xa hơn nơi Đức Chúa Trời muốn ông đến, nhưng thay vào đó ông đã lãng phí thời gian mình. Những kẻ tái phạm lãng phí thời gian của họ, họ lãng phí cuộc đời mình. So sánh với sự vĩnh cửu thì 10 năm hoặc 20 năm có đáng là bao? Không là gì cả. Nhưng so sánh 80 năm hoặc 90 năm mà bạn chắc chắn có nhất trên thế gian thì 10 năm, 20 năm là thời gian dài lãng phí. Nhưng kẻ tái phạm lãng phí thời gian của họ, họ chắc chắn đang lãng phí tuổi trẻ của mình. Và tất cả sẽ không còn gì hết. Họ sẽ kết thúc trong tình trạng xấu hổ. Họ sẽ rời khỏi Ai Cập hoặc họ sẽ chết nơi đó và bạn tìm lại nơi mình đã rời bỏ. Tất cả thời gian đó đã lãng phí vô ích. Trở lại Bê-tên. Rồi Áp-ra-ham khôi phục lại hành trình mà lẽ ra ông nên đi suốt thời gian qua. Từ Bê-tên, ông tiến xa hơn về phía nam. Ông đi qua đồi núi xứ Giu-đa, từ non cao Sa-ma-ri đến dốc đá Giu-đa. Chuyến hành trình dài, gian khổ từ Bê-tên đến Hếp-rôn, nhưng không khó khăn như mọi lối đến Ai Cập và trở lại. Ông đến Hếp-rôn. “Hếp-rôn” có nguồn gốc từ chữ Hê-bơ-rơ “heet ha brut” – “sự thông công.” Từ Hê-bơ-rơ “heet ha brut” chỉ sự thông công có nghĩa là “những viên gạch giữ chặt với nhau.” Phi-e-rơ đã nêu ra điều nầy trong I Phi. 2:5; chúng ta là đá đền thờ, Hội Thánh là đền thờ. Chúng ta là “đá sống.” Vào ngày Chúa Nhật trước Phục Sinh (Palm Sunday) Chúa Jesus vào trong Đền Thờ từ Cửa Đông và dân sự đang hát Hallel Rabbah cho Ngài (Thi 113-118). “Hô-sa-na Con vua Đa-vít,” Mấy thầy thông giáo và Pha-ri-si (hội đồng Sanhedrin) xin Chúa Jesus bảo dân chúng nín lặng. Chúa Jêsus phán: “Nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên” (Lu. 19:40). Ngài đang nói theo midrash Do Thái, đó là nếu người Do Thái không công bố Ta là Đấng Mê-si, thì các Cơ Đốc nhân sẽ làm việc nầy. Giăng Báp-tít nói Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cho Áp-ra-ham được (Mat. 3:9) – Cơ Đốc nhân là con của Áp-ra-ham. Hếp-rôn là nơi thông công – những viên đá kết dính lại với nhau. Hãy giả sử tôi vào trong nhà thờ và nói với mục sư quản nhiệm: “Ông có ngôi nhà thờ đẹp – đúng là một tòa nhà, nhưng thiếu nhiều gạch trên tường. Tất cả viên gạch thiếu nầy đâu rồi?” Chúng kia – ở giữa sàn nhà. Những viên gạch được sắp xếp giữa sàn nhà thì đẹp đẽ gì? Đối với gạch, để đẹp chúng phải được đặt vào tường, được kết dính với những viên gạch khác. Đó là sự thông công. Đó là sức mạnh. Một là việc đến nhà thờ, việc kia là đến để thông công. Hành trình đến Hếp-rôn thì dài và gian khổ qua những dãy núi; lúc đến Hếp-rôn, Áp-ra-ham phải dựng một bàn thờ khác. Nếu bạn muốn đến để thông công, bạn phải trả cái giá nào đó. Bất kỳ ai cũng có thể đến nhà thờ, hát thánh ca, dâng phần mười, mang theo của lễ - “Chào người anh em, bạn có khỏe không? Gặp lại bạn vào tuần sau.” Bất kỳ ai cũng có thể làm việc đó. Giờ đây làm việc đó không sai. Khi bạn là một tân tín hữu, bạn có thể đến Bê-tên, nhưng ở lại Bê-tên là sai. Bạn phải đến Hếp-rôn, bạn phải đến để thông công. Bởi vì tại nơi thông công, Áp-ra-ham ở dưới các cây dẻ bộp khác, lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê (Chỗ nầy gần nơi mà ngày nay được gọi là Kirath Arba bên Bờ Tây, một khu vực rất hỗn loạn. Ở đó có hang đá Mặc-bê-la, nơi các tộc trưởng được chôn cất). “Mam-rê” trong tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “sự vững chắc” hoặc “sự cường tráng.” “Những cây dẻ bộp của sức mạnh.” Và chỉ khi đến Hếp-rôn, ở dưới lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, Áp-ra-ham mới ở vị trí sức mạnh chiến lược để giải cứu cho người bà con mình là Lót. Ông không thể giải cứu Lót nếu vẫn còn ở Bê-tên, ông phải xuống Hếp-rôn gần nơi Lót ở. Từ Hội Thánh Đến Thông Công Chúng ta muốn gia đình, láng giềng, bạn bè mình được cứu; chúng ta muốn đồng bào mình được cứu khỏi kẻ ngoại giáo – dân Ca-na-an trong xứ, khỏi phong trào Tân Thời Đại,* khỏi Hồi giáo, khỏi các tà giáo, khỏi Cơ Đốc giáo giả hình, song bạn sẽ không bao giờ làm được việc nầy chỉ bằng cách đơn giản là đi đến nhà thờ. *Nguyên văn là New Age, là phong trào tâm linh và xã hội phương Tây muốn tìm kiếm “Chân Lý Vũ Trụ” (Universal Truth) và tiềm năng tri thức cao nhất của cá nhân con người. Nó bao gồm các khía cạnh của thuyết huyền bí, thiên văn học, chủ nghĩa bí truyền, siêu hình học,… ND. Tôi là nhà truyền giáo ở Trung Đông nhiều năm – hãy nghe tôi. Không có Hội Thánh nào trên thế gian – Tôi không nói đến Hội Thánh theo nghĩa từ Hy Lạp “eklesia” nhưng theo nghĩa “giáo dân” – Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với nhà thờ Hồi giáo và chiến thắng. Bạn có nghe tôi nói gì không? Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với nhà thờ Hồi giáo và chiến thắng. Trừ phi bạn muốn thách đố với nhà thờ Hồi giáo rằng bạn tốt hơn trong sự thông công. Trừ phi bạn thách đố với đạo Hồi rằng bạn tốt hơn trong nơi vững chắc, cường tráng, mạnh mẽ thật sự. Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với Mọt-môn hoặc Chứng Nhân Giê-hô-va – họ quá tận tụy. Họ sốt sắng vì lời dối trá còn hơn những Cơ Đốc nhân sốt sắng nhất cho lẽ thật. Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với Hoàng Cung (Kingdom Hall) của Chứng Nhân Giê-hô-va hoặc đền thờ của Mọt-môn. Không có. Không có Hội Thánh nào trên thế gian có thể thách đố với những nơi đó; sự thông công thì có thể - chứ không phải Hội Thánh. Bê-tên Sẽ Dẫn Đến Nan Đề Bạn cư ngụ ở Bê-tên hay bạn cư ngụ ở Hếp-rôn? Vâng, nếu bạn đang cư ngụ ở Bê-tên, bạn sẽ có nan đề. Hãy mở với tôi trong A-mốt 4:4-5. Hãy đi đến Bê-tên, và phạm tội; hãy đi đến Ghinh-ganh, và phạm tội thêm! Mỗi buổi sáng hãy đem của lễ mình đến, và cứ ba ngày thì dâng các phần mười của các ngươi! Hãy đốt của lễ thù ân có men; … (tội lỗi, học thuyết sai lạc)… hãy rao ra những của lễ lạc hiến; hãy làm cho thiên hạ biết; Hãy đi đến Bê-tên và phạm tội? Ôi, bạn dâng phần mười và các của lễ lạc hiến mình, nhưng bạn cũng mang theo một của lễ tội lỗi có men. hỡi con cái Y-sơ-ra-ên, vì các ngươi ưa thích điều đó, Chúa Giê-hô-va phán vậy. Hỡi các tín hữu Tin Lành! Hỡi những người Ngũ Tuần! Vì các ngươi ưa thích điều đó; hỡi các tín hữu Trưởng Lão! Hỡi những người Báp-tít! Tất cả chúng ta! “Ôi, tôi đến nhà thờ! Tôi dâng phần mười!” Nó có men. Kiêu ngạo thuộc linh, tội lỗi, học thuyết sai lạc. “Ôi, tôi đến nhà thờ, như mong muốn! Tôi làm chút phần mình! Tôi dâng phần mười! Tôi hài lòng!” Xác thịt yêu thương tôn giáo. Sự sáng tạo cũ sẽ luôn luôn cố tự bào chữa bằng cách giữ luật lệ, bằng việc quay trở lại thời Luật Pháp. Hãy xem A-mốt 5:5. Chớ tìm kiếm Bê-tên, chớ vào trong Ghinh-ganh, đừng đi đến Bê-e-Sê-ba. (tất cả các điều nầy có nghĩa trong tiếng Hê-bơ-rơ). Vì Ghinh-ganh sẽ bị đày, Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát. Bạn có thấy? “Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.” Nhà thờ sẽ bỏ rơi bạn. Nếu chưa xảy ra, tôi bảo đảm chắc chắn rằng chẳng bao lâu nữa hoặc sau đó sẽ xảy ra – Tôi hứa với bạn, nhà thờ sẽ bỏ rơi bạn. Lý do nhà thờ bỏ rơi bạn là bởi vì nhà thờ được cấu thành bởi con người chỉ thích bạn và chỉ thích tôi. Nhà thờ sẽ bỏ rơi bạn. Nhà thờ không chịu đựng nỗi nữa. “Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.” Nhưng sự thông công sẽ đứng vững. Không có sự an toàn trong nhà thờ; song có sự an toàn ở Hếp-rôn – đó là nơi sức mạnh hiện hữu. Đó là nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê tăng trưởng. Những Cư Dân Bê-tên “Cư Dân Bê-tên” là gì? Có nhiều cách để chọn ra họ. Dĩ nhiên, một cách là chọn người đến nhà thờ sáng Chúa Nhật, nhưng không đến dự buổi nhóm tối. Không vì bất kỳ lý do tốt đẹp nào như bận làm việc hay con bệnh hoặc hoặc lý do nào khác giống như vậy. Chỉ bởi vì họ thích xem đá banh, thay vì ghi hình để xem lại khi họ trở về nhà. Đó là “Cư Dân Bê-tên.” Ngày nay bạn có thể ghi hình lại trận đấu nếu bạn thích thể thao, song những người đó có vấn đề. Hoặc họ đến vào Chúa Nhật và làm chút việc của họ, nhưng họ sẽ không đến vào các buổi nhóm giữa tuần, họ kiên quyết làm vậy. Không phải vì lý do chính đáng như con bệnh hay trách nhiệm làm việc hoặc việc gì đó giống vậy, ý tôi chỉ là người ta viện lý do để không đến. Những người nầy có vấn đề. Các quyền ưu tiên của họ bị sai lệch. Nhưng có một cách chắc chắn để nói về “Cư Dân Bê-tên.” Tôi đã nói với bạn cách để chọn ra “Cư Dân Bê-tên,” họ đã tin Chúa 5 năm, họ đã tin Chúa 10 năm, họ đã tin Chúa 60 năm hoặc hơn nữa và họ không biết mình có “mắt,” “chân” hoặc “tay” hay không nữa. Họ không biết các ân tứ của mình là gì, họ không biết mục vụ của mình, họ không biết mình có ân tứ dạy hay không, họ không biết mình có ân tứ giảng Phúc Âm, ân tứ cứu giúp hay không – Họ không biết các ân tứ của mình là gì cả. Họ không biết nơi mình gắn khít vào tường, vì vậy họ chỉ là viên gạch dưới sàn. Họ đến nhà thờ, họ dâng phần mười, họ hát thánh ca và nói: “Tôi sẽ gặp bạn tuần tới.” Đó là “Cư Dân Bê-tên.” Hầu hết Cơ Đốc nhân phương Tây là những “Cư Dân Bê-tên.” Trong hầu hết các nhà thờ mà tôi đến ở phương Tây có 15% số người làm 85% việc cầu nguyện. Hãy kêu gọi một buổi nhóm cầu nguyện để xem có bao nhiêu người đến. Chỉ có 15% người làm 85% mục vụ. Chỉ có 15% người làm 85% cam kết. Tôi không có ý nói ở dạng tổng số mà là dạng khả năng – tỷ lệ. Đó là 15% người ở trong sự thông công; những người khác chỉ đi nhà thờ. “Bê-tên sẽ trở nên một nơi đổ nát.” Tôi đang nói với bạn rằng Hội Thánh sẽ bỏ rơi bạn. Và trong Ngày Cuối Cùng sẽ bỏ rơi tất cả chúng ta. Bạn đừng bao giờ chỉ mang điều gì đó thôi đến nhà thờ. Một Cơ Đốc nhân trẻ ư? Tốt lắm, đến nhà thờ nhưng bạn phải đến để thông công và dựng bàn thờ đó. Bạn sẽ trả cái giá nào đó để đến sự thông công. Trả giá về thì giờ, tiền bạc, xung đột tâm linh – Sẽ có cái giá phải trả. Không bàn thờ, không của lễ; không của lễ, không phát triển. Tất Cả Chúng Ta Ở Nơi Nào Đó Trên Hành Trình Mọi người đều ở nơi nào đó trên Hành Trình của Áp-ra-ham. Ngay cả thiếu ấu nhi trong nhà trẻ hay ở Trường Chúa Nhật – họ chưa biết đó thôi, nhưng họ đang ở U-rơ thuộc xứ Canh-đê. Qua niềm tin của cha mẹ, họ được Chúa đưa đến con đường cứu rỗi. Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ. Chúng ta không làm báp-têm cho trẻ em, nhưng Đức Chúa Trời nhìn con của Cơ Đốc nhân khác hơn con của thế gian. Có thể bạn đang ở Cha-ran, vào điểm khủng hoảng đó. Nếu bạn đọc điều nầy và bạn chưa được tái sanh, chưa chấp nhận Chúa Jesus, thì bạn đang đọc vì một lý do. Không phải lý do của riêng bạn mà là của Đức Chúa Trời. Cuộc sống bạn vô nghĩa, nhưng nếu bạn quay lại với Chúa Jesus nó sẽ có ý nghĩa, bởi vì trở thành Cơ Đốc nhân thì rất dễ dàng. Có lẽ những điều bạn đọc hôm nay thì phức tạp, song khi bạn được sanh ra, là một đứa bé, không biết gì nhiều – nó sẽ học. Khi bạn được tái sanh cũng như vậy: Bạn tiếp tục học thêm. Nhưng được sinh ra dễ dàng và được tái sanh cũng vậy. Phúc Âm thì đơn giản. Cũng như tình thương bạn dành cho con mình, nếu bạn có con; Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra tình thương đó để dạy bạn biết Ngài yêu thương bạn biết dường bao. Và như vậy bạn sẽ sẵn sàng dâng sự sống mình để cứu cuộc đời con bạn; đó là những gì Chúa Jesus đã làm khi Ngài chết trên thập tự giá vì tội lỗi của bạn. Đó là những gì Ngài đã làm. Bạn thấy đấy, tất cả chúng ta đã nổi loạn chống lại tình yêu thương của Đức Chúa Trời và từ chối thẩm quyền của Ngài. Chúng ta đã chịu ảnh hưởng của kẻ được gọi là ma quỷ, thần của thế gian nầy. Đó là lý do chúng ta hủy diệt môi trường. Đó là lý do hôn nhân đỗ vỡ. Đó là lý do chúng ta muốn được tốt và làm lành, nhưng chúng ta lại làm những điều chúng ta biết là sai. Chúng ta có bản chất sa ngã và toàn bộ thế gian nằm dưới quyền lực ma quỷ. Đối với Đức Chúa Trời, một người không có tội đáng giá hơn tất cả kẻ có tội. Đó là cách Chúa Jesus có thể chết cho mọi người, bởi vì một người không có tội đáng giá hơn tất cả kẻ có tội. Đức Chúa Trời đã trở thành người và Ngài gánh tội lỗi của chúng ta. Mọi việc sai tôi đã làm, mọi điều trái bạn đã làm, Đức Chúa Trời đã đặt chúng lên Chúa Jesus. Và Đức Chúa Trời đã lấy sự công bình của Ngài ban cho chúng ta. Và khi Chúa Jesus sống lại từ cõi chết, Ngài sẽ kéo chúng ta khỏi sự chết để vào trong sự sống đời đời. Đó là Phúc Âm. Bạn phải quay đi khỏi tội lỗi. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời năng lực để quay đi khỏi tội lỗi và Ngài sẽ ban cho bạn năng lực đó. Ngài đã giải thoát tôi khỏi cơn nghiện cocaine khi tôi học ở Đại Học, một cơn nghiện khủng khiếp. Ma quỷ đã kìm kẹp cuộc sống tôi, nhưng Chúa Jesus quyền năng hơn ma quỷ, Ngài quyền năng hơn cocaine. Những gì đã làm cho tôi, Ngài có thể làm cho bất kỳ ai. Ngài sẽ làm điều đó cho bạn. Chúa sẽ ban cho bạn quyền năng để quay đi khỏi tội lỗi nếu bạn cầu xin Ngài. Chúa sẽ cất tội lỗi của bạn đi và ban cho bạn sự sống của Ngài. Nếu không biết Chúa thì bạn vẫn còn ở Cha-ran, bạn đang ở tại điểm khủng hoảng. Bạn có thể đi từ sự chết đến sự sống hôm nay. Bạn không phải đi đến hỏa ngục, bạn không phải đi đến nơi phán xét, bạn có thể trở thành con của Áp-ra-ham hôm nay. Có lẽ bạn đang ở Bê-tên, nơi bạn đến nhà thờ. Ma quỷ đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Hắn rất ngoan đạo. Ma quỷ đem nhiều người vào hỏa ngục với tôn giáo hơn là hắn làm với tất cả chất ma túy, tất cả hành động bất lương, tất cả trò cờ bạc ép buộc đặt lại cùng nhau. Tôn giáo sẽ không đưa bạn đến đâu cả; Chúa Jesus sẽ mang bạn đến nơi đó. Tôn giáo không phải là giải pháp cho những nan đề của thế gian; tôn giáo là nan đề của thế gian, Chúa Jesus là giải pháp. Nhưng có lẽ sự việc đi sai. Có lẽ đó là luật của thế gian, sự việc giống như bản chất cũ, ham muốn xác thịt, tình dục vô đạo đức, mối quan hệ bỉ ổi, ma túy – bất cứ điều gì – yêu tiền bạc hoặc có lẽ sự việc vừa đi sai. Bạn cảm thấy Đức Chúa Trời đã bỏ rơi bạn. Ngài không bỏ rơi, nhưng bạn cảm thấy giống như Ngài đã làm vậy và bạn bắt đầu chệch hướng và cho rằng quản lý sự hiện hữu của mình không còn là cộng sự thấp hơn nhưng cao hơn và bạn đi đến Ai Cập. Bạn trở lại thế gian. Không có hy vọng cho bạn ở đó; bạn sẽ chỉ kết thúc trong tình trạng sỉ nhục. Bạn sẽ ra khỏi đó hoặc bạn sẽ chết tại đó. Không phải như vậy là kẻ tái phạm “thành công” đâu. Nó là sự bất khả thi (impossibility - điều không thể làm được) về thần học. Bạn đang lãng phí cuộc đời mình, bạn đang lãng phí tuổi xuân mình – vừa lãng phí nó, bạn đã trở lại Bê-tên. Hãy trở về với Chúa, với nhà Ngài và tìm lại nơi bạn đã rời khỏi. Bê-tên là nơi hầu hết chúng ta đang ở - nhưng đó không phải là nơi Đức Chúa Trời muốn chúng ta cư ngụ. Chúa muốn chúng ta ở Hếp-rôn. Chúa không muốn chúng ta là những viên gạch dưới sàn nhà, Ngài muốn chúng ta là những viên gạch được trát dính vào tường. Chúa muốn bạn biết nơi của mình trong thân thể, Ngài muốn bạn ở nơi vững chắc và mạnh mẽ, như vậy bạn có thể cứu người thân khỏi vua của bóng tối. Đó là nơi Chúa muốn bạn ở. Bạn đang ở đâu? Có thể bạn đang ở Ai Cập. Tôi xin bạn – Đức Chúa Trời yêu thương bạn vô cùng, cuộc sống nầy quá ngắn ngủi, hãy đừng lãng phí nó. Chúng ta được nhắc nhở trong Truyền Đạo: “Tuổi trẻ trôi qua mau” (Truyền 12:1). Đừng lãng phí nó! Nhưng đa số các bạn hiện ở nơi của hầu hết các Cơ Đốc nhân – ít nhất ở thế giới phương Tây, hầu hết các bạn hiện ở trong Hội Thánh. Hầu hết Cơ Đốc nhân đang ở tại Bê-tên. Tôi có một hy vọng và một lời cầu nguyện cho Hội Thánh bạn. Đây là hy vọng của tôi và lời cầu nguyện của tôi cho Hội Thánh bạn: Chẳng bao lâu nó sẽ không còn là Hội Thánh nữa. Lời cầu nguyện của tôi cho bạn là Hội Thánh bạn sẽ trở thành sự thông công. Translator into Vietnamese: Daniel Nguyen
April 3, 2025
A Prophet Like Unto Moses Scripture: Deuteronomy 18:18 The Scriptural similarities which point to Moses as a type of the Messiah to come. Kinh Talmud1 cho rằng Phục Truyền 18:18 là nói về Đấng Mê-si: “Ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng người, thì người sẽ nói cho chúng mọi điều ta phán dặn người.” Chúng ta biết đó là nói về Chúa Jesus, là một tiên tri như Môi-se: Được Sinh Ra Dưới Sự Cai Trị Áp Bức Của Người Ngoại Quốc 8Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép. 9Vua phán cùng dân mình rằng: Nầy, dân Y-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta. 10Hè! Ta hãy dùng chước khôn ngoan đối cùng họ, kẻo họ thêm nhiều lên, một mai nếu có cơn chinh chiến xảy đến, họ sẽ hiệp cùng quân nghịch đánh lại ta, và ra khỏi xứ chăng. 11Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc; họ xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho tàng cho Pha-ra-ôn (Xuất 1:8-11). Môi-se được sinh ra dưới sự cai trị áp bức của người ngoại quốc. 1Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. 2Việc lập sổ dân nầy là trước hết, và nhằm khi Qui-ri-ni-u làm quan tổng đốc xứ Sy-ri (Lu. 2:1-2). Chúa Jesus được sinh ra dưới sự cai trị áp bức của người ngoại quốc. Bị Đe Dọa Bởi Một Vua Gian Ác 15Vua xứ Ê-díp-tô cũng phán cùng các bà mụ của dân Hê-bơ-rơ, một người tên Siếp- ra và một người tên Phu-a, 16mà rằng: Khi các ngươi đi rước thai cho người đàn bà Hê- bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống (Xuất 1:15-16). Một vua gian ác đã ra lệnh giết Môi-se và những bé trai Do Thái. Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết (Mat. 2:16). Một vua gian ác đã ra lệnh giết Chúa Jesus và những bé trai Do Thái. 1 Kinh Talmud (Talmud, theo nguyên ngữ có nghĩa là “dạy, học”) kinh khôn ngoan của người Do Thái. Talmud là bản văn chính của Do Thái giáo dưới hình thức ghi lại những tranh luận của các giáo sĩ Do Thái liên hệ đến luật pháp, đạo đức, triết lý, phong tục và lịch sử Do Thái. Kinh Talmud có hai phần: Mishnah (luật truyền khẩu) và Gemara (tập hợp tất cả luật và văn chương). ND. Đức Tin Của Cha Mẹ Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng (Xuất 2:2). Bởi đức tin, khi Môi-se mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt, không sợ chiếu mạng của vua (Hêb. 11:23). Môi-se được cứu sống và bảo toàn qua đức tin của cha mẹ ông. 13Sau khi mấy thầy đó đi rồi, có một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong chiêm bao, mà truyền rằng: Hãy chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài trốn qua nước Ê-díp- tô, rồi cứ ở đó cho tới chừng nào ta bảo ngươi; vì vua Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ ấy mà giết. 14Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài đang ban đêm lánh qua nước Ê-díp-tô (Mat. 2:13-14). Chúa Jesus được cứu sống và bảo toàn qua đức tin của cha mẹ Ngài. Được Bảo Vệ Ở Ai Cập Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước (Xuất 2:10). Môi-se được bảo vệ ở Ai Cập một thời gian. 14Giô-sép bèn chờ dậy, đem con trẻ và mẹ Ngài đang ban đêm lánh qua nước Ê-díp- tô. 15Người ở đó cho tới khi vua Hê-rốt băng, hầu cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô (Mat. 2:14-15). Chúa Jesus được bảo vệ ở Ai Cập một thời gian. Sự Khôn Ngoan Vượt Trội 1Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về việc người nữ Ê-thi-ô-bi mà người đã lấy; vì người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ. 2Hai người nói rằng: Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao? Đức Giê-hô-va nghe điều đó. 3Vả, Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian (Dân 12:1-3). Nhiều người cố ganh đua với Môi-se bởi sự khôn ngoan của ông. 46Khỏi ba ngày, gặp Ngài tại trong đền thờ đang ngồi giữa mấy thầy thông thái, vừa nghe vừa hỏi. 47Ai nấy nghe, đều lạ khen về sự khôn ngoan và lời đối đáp của Ngài (Lu. 2:46-47). Ngay từ lúc còn trẻ, Chúa Jesus đã chứng tỏ kiến thức cùng sự khôn ngoan siêu phàm và những kẻ khác muốn ganh đua với Ngài, nhưng họ không thể làm nỗi. Bị Dân Do Thái Khước Từ Dân sự thấy Môi-se ở trên núi chậm xuống, bèn nhóm lại chung quanh A-rôn mà nói rằng: Nào! Hãy làm các thần để đi trước chúng tôi đi, vì về phần Môi-se nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi (Xuất 32:1). Môi-se đã bị dân Israel khước từ một thời gian. 21Quan tổng đốc cất tiếng hỏi rằng: Trong hai người nầy, các ngươi muốn ta tha ai? Chúng thưa rằng: Ba-ra-ba. 22Phi-lát nói rằng: Vậy, còn Jêsus gọi là Christ, thì ta sẽ xử thế nào? Chúng đều trả lời rằng: Đóng đinh nó trên cây thập tự! (Mat. 27:21-22). Vào lúc cuối cuộc sống trên đất, Chúa Jesus đã nói với người Do Thái: Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! (Mat. 23:39). Vả, hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm nầy, e anh em khoe mình khôn ngoan chăng: Ấy là một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ (Rôm. 11:25). Chúa Jesus đã bị dân Israel khước từ một thời gian. Được Dân Ngoại Bang Chấp Nhận 13Qua ngày sau, Môi-se đi ra nữa, thấy hai người Hê-bơ-rơ đánh lộn, bèn nói cùng người có lỗi rằng: Sao ngươi đánh người đồng loại mình? 14Nhưng người đó đáp rằng: Ai đặt ngươi làm vua, làm quan án cho chúng ta? ... 15Pha-ra-ôn hay việc đó, thì tìm giết Môi-se; nhưng người trốn đi khỏi mặt Pha-ra-ôn, dừng chân tại xứ Ma-đi-an… 21Môi-se ưng ở cùng người nầy, người bèn gả Sê-phô-ra, con gái mình, cho Môi-se (Xuất 2:13, 14, 15, 31). Môi-se bị dân Do Thái khước từ, nhưng được dân ngoại bang chấp nhận. Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi (Rôm. 11:20). 1Những kẻ vốn chẳng cầu hỏi ta thì đã hỏi thăm ta; những kẻ vốn chẳng tìm ta thì đã gặp được ta. Ta đã phán cùng một dân chưa kêu cầu danh ta, mà rằng: Ta đây, ta đây!... 13Vậy nên Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, các tôi tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi tớ ta sẽ được vui vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc nhơ; 14nầy, tôi tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui vẻ, còn các ngươi thì khóc lóc vì lòng buồn bực, kêu than vì tâm thần phiền não. 15Danh các ngươi sẽ còn lại làm tiếng rủa sả cho những kẻ lựa chọn của ta; Chúa Giê-hô-va sẽ giết ngươi; nhưng Ngài sẽ lấy danh khác đặt cho các tôi tớ mình (Ês. 65:1, 13-15). Chúa Jesus bị dân Do Thái khước từ, nhưng được dân ngoại bang chấp nhận. Bị Gia Đình Mình Phê Phán Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về việc người nữ Ê-thi-ô-bi mà người đã lấy; vì người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ (Dân 12:1-3). Môi-se đã lấy một người Ê-thi-ô-bi – một phụ nữ Phi châu da đen. 20Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ vào trong một cái nhà; đoàn dân lại nhóm họp tại đó, đến nỗi Ngài và môn đồ không ăn được. 21Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn (Mác 3:20-21). Môi-se bị gia đình mình phê phán bởi vì lấy vợ ngoại bang. Dân Do Thái phê phán Chúa Jesus bởi vì trong dáng vẻ và kiểu cách, Ngài đã lấy vợ ngoại bang là Hội Thánh. Sách Ru-tơ được đọc trong nhà hội vào ngày lễ Ngũ Tuần – câu chuyện về một người Do Thái lấy vợ ngoại bang và một hài nhi sinh ra ở Bết-lê-hem được gọi là “Đấng Cứu Chuộc.” Sẵn Lòng Gánh Chịu Tội Lỗi Của Họ 31Vậy, Môi-se trở lên đến Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Ôi! Dân sự nầy có phạm một tội trọng, làm cho mình các thần bằng vàng; 32nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không, hãy xóa tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi (Xuất 32:31-32). Môi-se đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho dân sự mình và sẵn lòng gánh chịu hậu quả tội lỗi và vi phạm của họ. 21Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài; 22Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; 23Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh. 24Vì anh em vốn giống như con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn mình (I Phi. 2:21-24). Chúa Jesus đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho dân sự Ngài và sẵn lòng nhận chịu hậu quả tội lỗi và vi phạm của họ. Kiêng Ăn Bốn Mươi Ngày Và Bốn Mươi Đêm Môi-se ở đó cùng Đức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn (Xuất 34:28). Môi-se đã kiêng ăn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm để mang bảng giao ước về cho dân sự của Đức Chúa Trời. Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói (Mat. 4:2). Chúa Jesus đã kiêng ăn bốn mươi ngày và bốn mươi đêm để mang bảng giao ước cho dân sự của Đức Chúa Trời. Giáp Mặt Với Đức Chúa Trời Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt (Phục 34:10). Môi-se có mối quan hệ mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết (Gi. 1:18). Chúa Jesus có mối quan hệ mặt đối mặt với Đức Chúa Trời. Mặt Sáng Rực 34Khi Môi-se vào trước mặt Đức Giê-hô-va đặng hầu chuyện Ngài, thì dở lúp lên cho đến chừng nào lui ra… 35Dân Y-sơ-ra-ên nhìn mặt Môi-se thấy da mặt người sáng rực, thì Môi-se lấy lúp che mặt mình cho đến khi nào vào hầu chuyện Đức Giê-hô-va (Xuất 34:34, 35). Khi Môi-se gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt, ông rực sáng cách siêu nhiên. Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sang (Mat. 17:2). Chúa Jesus rực sáng cách siêu nhiên như Môi-se. Tiếng Từ Trên Trời Trong Xuất Ê-díp-tô Ký, chúng ta biết Đức Chúa Trời phán trực tiếp với Môi-se từ trên trời. 23Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển… 28Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa! (Gi. 12:23, 28). Đức Chúa Trời phán trực tiếp với Chúa Jesus từ trên trời. Mộ Được Thiên Sứ Canh Gác Trong thơ Giu-đe, câu 9, chúng ta biết một thiên sứ canh gác mộ Môi-se. 2Và nầy, đất rúng động dữ dội, vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá ra mà ngồi ở trên. 3Hình dung của thiên sứ giống như chớp nhoáng, và áo trắng như tuyết. 4Vì đó, những lính canh sợ hãi run rẩy, trở nên như người chết. 5Song thiên sứ nói cùng các người đàn bà đó rằng: Các ngươi đừng sợ chi cả; vì ta biết các ngươi tìm Đức Chúa Jêsus, là Đấng bị đóng đinh trên thập tự giá. 6Ngài không ở đây đâu; Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán. Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm (Mat. 28:2-6), Một thiên sứ đã canh gác mộ Chúa Jesus. Bày Tỏ Danh Đức Chúa Trời 13Môi-se thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến dân Y-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao? 14Đức Chúa Trời phán rằng: Ta Là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng tự hữu đã sai ta đến cùng các ngươi (Xuất 3:13-14). Môi-se đã bày tỏ Danh Đức Chúa Trời cho dân sự ông. 6Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian… 11Con không ở thế gian nữa, nhưng họ còn ở thế gian, và Con về cùng Cha. Lạy Cha thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con, để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy. 12Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con… (Gi. 17:6, 11, 12). Chúa Jesus đã bày tỏ Danh Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài. Cho Đoàn Dân Ăn 14Lớp sương đó tan đi, trên mặt đồng vắng thấy có vật chi nhỏ, tròn, như hột sương đóng trên mặt đất. 15Khi dân Y-sơ-ra-ên thấy, bèn hỏi nhau rằng: Cái chi vậy? Vì chẳng biết vật đó là gì. Môi-se bèn nói cùng dân sự rằng: Ấy là bánh mà Đức Giê-hô-va ban cho các ngươi làm lương thực đó (Xuất 16:14-15). Môi-se đã cho đoàn dân đông của Đức Chúa Trời ăn cách siêu nhiên. 19Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ, đoạn, lấy năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn; rồi bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng. 20Ai nấy đều ăn no, còn bánh thừa lại thâu được đầy mười hai giỏ. 21 Số người ăn ước chừng năm ngàn, không kể đàn bà con nít (Mat. 14:19-20). Chúa Jesus đã cho đoàn dân đông của Đức Chúa Trời ăn cách siêu nhiên. Tỏ Dấu Kỳ Và Phép Lạ 10Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt. 11Không có ai bằng người, hoặc về các dấu kỳ, phép lạ mà Đức Giê-hô-va sai người làm tại trong xứ Ê-díp-tô, trước mặt Pha-ra-ôn, các quần thần, và cả xứ của người; 12hoặc hết thảy công việc lớn lao và đáng sợ mà Môi-se cậy tay quyền năng mình làm tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên (Phục 34:10-12). Môi-se đã làm các dấu kỳ và phép lạ mà không ai trước ông từng làm. Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta (Gi. 5:36). Đức Chúa Jesus đã làm các dấu kỳ và phép lạ, Chúa đã làm những phép lạ mà không ai trước Ngài từng làm. Thực Hiện Giao Ước Với Huyết 7Đoạn, người cầm quyển sách giao ước đọc cho dân sự nghe, thì dân sự nói rằng: Chúng tôi sẽ làm và vâng theo mọi lời Đức Giê-hô-va phán chỉ. 8Môi-se bèn lấy huyết rưới trên mình dân sự mà nói rằng: Đây là huyết giao ước của Đức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi y theo mọi lời nầy (Xuất 24:7-8). Môi-se đã đi lên núi, thực hiện giao ước với huyết và bao phủ dân sự Đức Chúa Trời bằng huyết đó. 26 Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta. 27Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; 28vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội (Mat. 26:26-28). 11Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy; Ngài đã Vượt Qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy; 12Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời (Hêb. 9:11-12). Đức Chúa Jesus đã đi lên núi, thực hiện giao ước với huyết và bao phủ dân sự Ngài bằng huyết đó. Có nhiều con người vĩ đại của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước – Ê-li, Ê-sai, Giê-rê- mi, Sa-mu-ên, Đa-vít – đó chỉ là tên của vài người. Nhưng chỉ có một tiên tri giống như Môi-se, là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Mê-si thật của Israel. Translator into Vietnamese: Dan Nguyen
April 3, 2025
Cùng với mọi sứ mạng truyền giáo khác cho người Do Thái, điều gây đau đớn và khiến tôi lo lắng, đó là có rất nhiều Cơ Đốc nhân, những người có tấm lòng với dân Do Thái và đất nước Israel, lại nhầm lẫn việc yêu thương dân Do Thái với yêu thương chính phủ Israel; hoặc nghiêm trọng hơn, họ ngộ nhận việc yêu thương dân tộc Do Thái với yêu thương tôn giáo của các giáo sĩ (Ra-bi) Do Thái, mà giờ đây được gọi là Do Thái giáo (Judaism). Chúng ta hãy xem Chúa Jesus đã nói gì về tôn giáo nầy, hãy ghi nhớ rằng Do Thái giáo của các nhà hội ngày nay không có bất kỳ ý nghĩa nào giống với Do Thái giáo của thời Môi-se và Ngũ Kinh (Torah). Một cách để hiểu Do Thái giáo hiện đại là phải so sánh tôn giáo đó với Công giáo La Mã (Roman Catholicism) hay Chính Thống giáo Đông Phương (Eastern Orthodoxy): Những Hội Thánh đó xưng mình là Cơ Đốc, nhưng nếu ai đọc Kinh Thánh Tân Ước thì rõ ràng nhanh chóng nhận ra rằng không phải tất cả họ đều là Cơ Đốc nhân; đúng hơn là nhà thờ được xây dựng phần lớn từ các truyền thống ngoại đạo; có rất ít, hoặc không có điều gì được làm từ những lời dạy nguyên thủy của Chúa Jesus và các Sứ Đồ. Đây là tôn giáo đến dưới chiêu bài Cơ Đốc giáo, mang danh “Hội Thánh Cơ Đốc,” nhưng không có lẽ thật nào từ những gì Chúa Jesus đã dạy. Cũng vậy, Do Thái giáo ngày nay chẳng có ý nghĩa nào tương tự như tôn giáo được dạy dỗ bởi Môi-se. Chúng ta sẽ nói về điều đó sau, nhưng giờ đây chúng ta hãy xem Khải Huyền 2:9, “Ta biết sự khốn khó nghèo khổ của ngươi (dầu ngươi giàu có mặc lòng), và những lời gièm pha của kẻ xưng mình là người Giu-đa, mà kỳ thực không phải, chúng nó vốn thuộc về hội quỷ Sa-tan.” Sứ điệp nơi đây được nghe lại ở Rô-ma đoạn 2 và sách Giê-rê-mi: “Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì” (Rôm. 2:28). Ngay cả kinh Talmud cũng thừa nhận ai là người Do Thái thuộc nhân chủng học hay di truyền sẽ biết Đấng Mê-si mình nếu là dân Giu-đa thật sự, hoặc người Do Thái chính tông (in heart). Chúa Jesus gọi thứ Do Thái giáo mà chối bỏ Đấng Mê-si mình là “nhà hội của quỷ Sa-tan (synagogue of Satan).” Khi bạn đi ngang qua đại sảnh (Kingdom Hall) của Chứng Nhân Giê-hô-va (Jehovah's Witness), đó là nơi của quỷ Sa-tan; khi bạn đi ngang đền thờ Hồi giáo, đó cũng là nơi của quỷ Sa-tan; khi bạn làm theo Hội Thánh Công giáo La Mã, đó là nơi của quỷ Sa-tan; khi bạn đi ngang qua đền thờ Ấn Độ giáo, đó là nơi của quỷ Sa-tan; và không ít nhà hội Do Thái giáo cũng là nơi của quỷ Sa-tan. Có điều gì đó ở các giáo đường Chính Thống giáo được gọi ha bierkat ha minim,* mà họ bảo là phước hạnh, nhưng thực tế là sự rủa sả. Cũng có cái được biết đến trong nghi thức tế lễ ở nhà hội Do Thái gọi là shmona asrey.** Chúa Jesus được gọi là Yeshu, thay vì Yeshua; họ rút ngắn tên Chúa thành một từ viết tắt có nghĩa “Nguyện tên hắn bị xóa đi” (May His name be blotted out).*** Họ cầu nguyện rằng kẻ ngoại giáo (minim), thuật ngữ chung dành cho những người bất đồng ý kiến về thần học trong cộng đồng Do Thái, bao gồm các tín nhân Do Thái tin Chúa Jesus là Đấng Mê-si, sẽ bị xóa đi khỏi Sách Sự Sống (Book of Life). Vì vậy, đối với các Cơ Đốc nhân Do Thái, thật rất rối ren, lúng túng khi thấy những tín hữu ở trong các tổ chức chuộng Do Thái (philo-Semitic) và thuộc loại như vậy, tôn cao Do Thái giáo cùng bắt tay với các ra-bi. Họ nhìn xem những Cơ Đốc nhân khác đứng trên bục giảng và diễn thuyết như thể Do Thái giáo là tốt lành, còn Hồi giáo thì xấu xa. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào, nếu người anh em trong Đấng Christ của bạn đứng trên bục giảng vào Lễ Lều Tạm (Feast of Tabernacles) hay lễ nào tương tự như vậy, bắt tay và phát biểu thay mặt cho những kẻ vừa cầu nguyện rằng tên bạn cùng tên các con của bạn sẽ bị xóa đi khỏi Sách Sự Sống? *Birkat ha-Minim, tiếng Do Thái có nghĩa “phước hạnh trên kẻ dị giáo” là lời rủa sả Do Thái với kẻ ngoại giáo (minim). Ngày nay người ta thường đánh giá Birkat ha-Minim có lẽ bao gồm cả Cơ Đốc nhân Do Thái trước khi Cơ Đốc giáo rõ ràng trở thành tôn giáo của dân ngoại. ND. **Shmoneh Esreh, cũng được gọi là Amidah, hay Tefilat HaAmidah, một trong “Mười Tám” (giờ đây là Mười Chín) phước hạnh, là lời cầu nguyện chính yếu của nghi lễ Do Thái giáo. ND. *** Nguyên văn acronym là từ ngữ cấu tạo bằng những chữ đầu của một nhóm từ (ví dụ như UNESCO, NATO, LASER, vân vân). ND. I Giăng 2:22-23, “Ai là kẻ nói dối, há chẳng phải kẻ chối Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ sao? Ấy đó là kẻ địch lại Ðấng Christ, tức là kẻ chối Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con. Ai chối Con, thì cũng không có Cha: ai xưng Con, thì cũng có Cha nữa.” Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy lời tiên tri về Antichrist (kẻ địch lại Ðấng Christ); rồi Giăng nói có nhiều antichrist, sau đó từ cả hai, chúng ta nhìn xem những gì có thể được gọi là “linh của Antichrist (the spirit of Antichrist).”
April 3, 2025
Phần I – Bài Học Cho Mọi Tín Nhân Gia-cốp (Ya’aqob) là tên của ông cố tôi. Tôi thường nói đùa rằng Gia-cốp nghĩa là “kẻ bịp bợm, lừa đảo (swindler)” nhưng thật sự không phải vậy. Gia-cốp có thể được dịch là “người chiếm chỗ (supplanter),” song đúng ra phải thực hiện với “gót chân.” Gia-cốp đã tóm lấy gót chân của anh mình. Câu chuyện về Gia-cốp dạy chúng ta, là các tín nhân những điều rất quan trọng— Đức Chúa Trời hoàn thiện chúng ta như thế nào. Điều gì đó được dạy cho mỗi tín nhân trong câu chuyện, cuộc đời, và kinh nghiệm của Gia-cốp. Mặt khác, chúng ta sẽ xem xét thể nào Gia-cốp lại hiện thân cho Israel và dân Do Thái. Bất cứ khi nào trong Kinh Thánh mà xác định rõ “Israel” hoặc “Gia-cốp,” đó là vì lý do: “Israel” có ngôn ngữ hợp nhất và Dân Ngoại có thể được ghép vào Israel. “Israel” đã vật lộn với Đức Chúa Trời và được thay đổi, còn “Gia-cốp” thì không. Dân Do Thái, vì không thay đổi nên họ được hiện thân bởi “Gia-cốp.” Cơn Đại Nạn (Great Tribulation) còn được gọi là “kỳ tai hại của Gia-cốp” (Giê-rê-mi 30:7. ND), và có ý nghĩa cho Israel và dân Do Thái. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nhìn vào khía cạnh đầu tiên về Gia-cốp, Gia-cốp dạy về bạn như thế nào, Gia-cốp dạy về tôi ra sao; cách cư xử của Gia-cốp khiến chúng ta có khuynh hướng cư xử thể nào, và cách mà Đức Chúa Trời đối phó với Gia-cốp để hoàn thiện ông dạy nhiều sự lạ lùng về cách Chúa sẽ hoàn thiện chúng ta. Gia-cốp thường không có cuộc sống quá dễ dàng, ngay cả vào cuối đời mình. Cũng như Áp-ra-ham, và chắc chắn cùng mức độ với Y-sác, thậm chí cả vào lúc tuổi rất già của ông, Đức Chúa Trời thực hiện vài điều rất cơ bản trong cuộc đời và ở tính cách ông. Hãy quên đi tư tưởng nầy: “Tôi già, tôi đã nghỉ hưu, tôi có rồi”— chúng ta không “có rồi” cho đến chừng nào chúng ta về nhà. Chúa làm nên những việc ở cuộc đời chúng ta đến khi chúng ta đến được nơi đó. Với cá nhân tôi, Phi-líp 1:6 là câu Kinh Thánh ưa thích nhất: “Tôi tin chắc rằng Ðấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Ðức Chúa Jêsus Christ.” Nhưng cách Chúa sẽ làm trong chúng ta là cách mà Ngài đã làm với Gia-cốp. 
Share by: