Chúa Jesus Trong Kinh Talmud* - Tài Liệu Ra-bi Tuyên Bố Gì Về Chúa Jesus?

Article Index

  • Tài Liệu Ra-bi Tuyên Bố Gì Về Chúa Jesus?

    Có một chỗ trong các tác phẩm của ra-bi gọi là Yoma 39b, ở đó giáo sĩ Do Thái giáo dạy rằng trong bốn mươi năm trước khi Đền Thờ bị phá hủy, có việc xảy ra như sau: Vào ngày Yom Kippur, Đại Lễ Chuộc Tội, họ sẽ treo dây hồng điều – có lẽ kết hợp theo cách nào đó với Ê-sai 1:18 – trước Nơi Chí Thánh khi Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đi vào để dâng của tế lễ. Họ tin dây hồng điều nầy sẽ đổi sang màu trắng nếu tội lỗi của dân sự được tha thứ; nếu họ không được tha thứ, sợi dây sẽ vẫn đỏ. Như chúng ta thấy, Đa-ni-ên đoạn 9 cho biết Đấng Mê-si phải đến và chết trước khi Đền Thờ thứ nhì bị phá hủy; Chúa Jesus đã lập lại điều nầy trong Bài Giảng Ô-li-ve (Ma-thi-ơ 24, Lu-ca 21). Thế nhưng các ra-bi dạy, “Trong bốn mươi năm cuối cùng trước khi Đền Thờ bị phá hủy– xảy ra vào khoảng 70 sau Chúa (A.D), sợi dây hồng điều đã không trở nên trắng, ngọn đèn phía Tây Đền Thờ cũng chẳng soi sáng; và cửa Nơi Chí Thánh tự mở tung ra theo cách riêng. Bởi vì bốn mươi năm trước việc phá hủy Đền Thờ, sợi dây hồng điều không bao giờ trở nên trắng, nhưng vẫn còn đỏ.” Đền Thờ thứ nhì đã bị hủy phá năm 70 sau Chúa, khoảng bốn mươi năm trước năm 70 A.D. tức là năm 30 sau Chúa. Nói cách khác, theo Do Thái giáo, từ thời Chúa Jesus cho đến khi Đền Thờ bị phá hủy, tội lỗi của dân sự chưa bao giờ được tha thứ. Họ cố tự biện minh cho mình bằng việc làm, nhưng Ê-sai 64:6 nói rằng mọi việc công bình của chúng ta như áo nhớp – thuật ngữ Hê-bơ-rơ nghĩa đen chỉ “áo nhớp” trong đoạn văn thật ra là so sánh với vải bẩn dùng cho huyết kinh nguyệt – Kinh Thánh sử dụng ngôn ngữ rất thô để mô tả sự công bình của con người và tôn giáo. Sự công bình Đấng Mê-si không thuộc con người, mà là sự công bình thiên thượng qua đức tin trong Chúa Jesus, Đấng Mê-si Do Thái (The Jewish Messiah Yeshua).

    “Suốt bốn mươi năm cuối cùng trước khi Đền Thờ bị phá hủy, Chúa không đến gần, dây hồng điều không trở nên trắng, đèn phía Tây không soi sáng, và các cửa Hekal (Đền Thờ) tự mở tung ra, cho đến khi ra-bi Jochanan ben Zakkai quở trách và nói,* hỡi Hekal, Hekal, cớ sao ngươi hoảng sợ? Ta biết về ngươi, rằng ngươi sẽ bị phá hủy, vì Tiên Tri Xa-cha-ri Ben Ido đã nói tiên tri liên quan đến ngươi, hỡi Li-ban, khá mở các cửa ngươi, cho lửa thiêu nuốt những cây bá hương ngươi!” Trên đây được cho là của ra-bi Jochanan ben Zakkai đã hỏi các cánh cửa tại sao chúng dự đoán sự phá hủy của chính mình.

    *Jochanan ben Zakkai (30 BC-90 AD) nhà hiền triết Do Thái quan trọng vào thời kỳ Đền Thờ Thứ Nhì. Ngôi mộ ông hiện ở Ti-bê-ri-át trong khu an táng Mainmonides. ND.

    Trong Menahot,** cho biết: “Vào buổi sáng, dầu trong những ngọn đèn đã cháy hết. Các thầy tế lễ vào, làm sạch đèn, loại bỏ bấc cũ thay bấc mới, và rót dầu mới vào đèn, chuẩn bị sẵn sàng để thắp cho buổi tối. Tuy ngọn đèn phía Tây mặc dù dầu không nhiều hơn những đèn khác, vẫn tiếp tục cháy cách kỳ diệu cả ngày dài, để đèn thắp vào buổi tối được nhen lửa từ đèn nầy. Rồi ngọn đèn phía Tây được tắt, làm sạch, thay bấc mới, rót dầu vào, và thắp lại. Vậy đèn phía Tây cung cấp lửa để thắp sáng những đèn khác, nhưng là ngọn đèn cuối cùng được làm sạch. Phép lạ nầy đã chứng thực cho Sự Hiện Diện Thiên Thượng ở Israel.”

    **Theo Bách Khoa Tự Điển Do Thái (Jewish Encyclopedia), menahot là luận thuyết trong kinh Talmud, thảo luận các chi tiết chính xác về các loại thịt khác nhau dùng để dâng hiến (meat-offering) nêu ở sách Lê-vi đoạn 2, 6, 7, 23; Dân Số đoạn 5, 6, 28, 29. ND.

    Theo ghi nhận nầy, suốt bốn mươi năm trước khi Đền Thờ bị phá hủy năm 70 sau Chúa, ngọn đèn phía Tây là ngọn đèn thắp sáng các đèn – nói cách khác, Chúa Jesus, Ánh Sáng thật của thế giới – đã ra đi, đó là dấu để chỉ đám mây shekinah rời khỏi. Cũng thể ấy, các cửa ở Nơi Chí Thánh tự mở tung ra; tuy nhiên, dây hồng điều buộc vào cửa Đền Thờ không bao giờ trở nên trắng, chỉ ra tội lỗi của Israel chưa được tha thứ. Điều nầy xảy ra từ khi Chúa Jesus bị đóng đinh đến lúc Đền Thờ bị phá hủy; Yoma 39b.

    Để giúp dễ dàng hiểu biết những gì xảy ra trong Do Thái giáo, tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện về Hai Giáo Sĩ Do Thái: Ngày xưa, có một giáo sĩ Do Thái rất nổi tiếng tên là Ra-bi Hillel. Có hai loại người Pha-ri-si: Một thuộc Trường Hillel – giáo sĩ Do Thái nầy

    – và loại kia là Trường Shammai, thuộc các học viện đào tạo giáo sĩ Do Thái. Họ có các khác biệt nào đó ở sự nhấn mạnh (emphasis) của mình, nhưng là hai trường phái chính của tư tưởng Pha-ri-si. Trường Hillel có số sinh viên tốt nghiệp rất nổi tiếng – Hillel là ông nội của một giáo sĩ rất nổi tiếng, là người kế nhiệm ông, Ra-bi Ga-ma-li-ên. Ra-bi Ga-ma-li-ên được đề cập trong kinh Talmud, nói về ông rằng khi ông qua đời sự công bình sẽ tàn lụn khỏi địa cầu. Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết trong Công Vụ đoạn 5, Ga-ma-li-ên nói nếu Chúa Jesus không phải Đấng Mê-si, Cơ Đốc giáo sẽ biến mất, và nếu Cơ Đốc giáo không biến mất thì người Do Thái đang làm việc đối nghịch lại với Đức Chúa Trời. Ra-bi Ga-ma-li-ên từ Trường Hillel liên kết với điều được gọi là Middot của Hillel,* mà Sứ Đồ Phao-lô sử dụng ở các phương pháp giảng dạy của ông. Ga-ma-li-ên có số sinh viên nổi tiếng, một trong số đó là Onkleos, người nổi tiếng dịch Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng A-ram. Ông cũng có hai sinh viên rất nổi tiếng khác, một trong hai người là kẻ mà mỗi người Do Thái kế thừa họ sẽ theo sau, gây cho Do Thái giáo có sự phân rẽ. Người đầu tiên của các sinh viên nầy là Ra-bi Jochanan ben Zakkai, người tôi đã trích dẫn. Khi Đền Thờ bị phá hủy, Ra-bi Jochanan ben Zakkai nói (trong phần diễn giải), “Chúng ta có vấn đề lớn: Chúng ta không thể thực hành đức tin Do Thái mà Môi-se ban cho nữa.” Vào ngày nầy, ở mỗi nhà thờ Do Thái Chính Thống, bạn sẽ tìm thấy từ ngữ của Ichabod:** “Vinh hiển đã lìa khỏi, Shekinah (trụ mây ban ngày che chở, cột lửa ban đêm soi sáng) đã không còn nữa.” Họ biết rất rõ rằng không có Đền Thờ, họ không thể thực hành đức tin của tổ phụ mình. Vào lễ Vượt Qua, theo tiếng Hê-bơ-rơ là Pesach, thay vì sử dụng chiên con (tiếng Hê-bơ-rơ là seder) cho bữa ăn tối lễ Vượt Qua, họ dùng bữa tối kỷ niệm với thịt gà, vì họ không còn Đền Thờ, cũng chẳng có thầy tế lễ.

    *Nguyên văn Middot of Hillel, hay còn gọi là Hillel Hermeneutical Rules (những quy tắc của Hillel chú giải văn bản cổ, đặc biệt về Kinh Thánh). Hillel có 7 quy tắc, Ishmael có 13 quy tắc, và Eliezer ben Jose HaGelili có 32 quy tắc. ND.

    **Y-ca-bốt, con trai Phi-nê-a (cùng với Hóp-ni, là hai con trai của Hê-li), đi theo Hòm Giao Ước Đức Chúa Trời. Cả hai con trai của Hê-li là Hóp-ni và Phi-nê-a đều chết khi Hòm Giao Ước bị quân Phi-li- tin cướp lấy (I Sam. 14:3; 4:10-11, 21). ND.

    Ra-bi Jochanan ben Zakkai có một hội đồng ở Yavne, gần Tel Aviv ngày nay, tại đó các ra-bi đã quyết định như sau: Thay vì thầy tế lễ và người Lê-vi, các ra-bi sẽ là thẩm quyền thuộc linh mới, do đó là lãnh đạo mới của Israel. Cũng vậy, thay vì Đền Thờ thì nhà hội trở thành trung tâm (các nhà hội Do Thái bắt đầu phát triển sau khi bị Lưu Đày ở Ba-by-lôn). Như thế một tôn giáo khác dựa vào truyền thống đã bắt đầu hình thành từ thời điểm đó.

    Có một bạn học của Ra-bi Jochanan ben Zakkai tên là Ra-bi Sau-lơ, người Tạt-sơ – mà một số người thích gọi là Sứ Đồ Phao-lô hơn. Được xem như môn đồ Ga-ma-li-ên; song ông nói Luật Pháp đã được Đấng Mê-si hoàn thành. Chúa Jesus đã trả giá cho tội lỗi tất cả chúng ta, vì vậy sự rủa sả của Luật Pháp và hậu quả việc vi phạm Luật Pháp được đặt trên Ngài. Mỗi người Do Thái đều ở dưới luật nầy hoặc luật khác, hãy nghĩ đến người Do Thái chưa được cứu như loại người tái phạm tội, lìa xa Đức Chúa Trời – người ở trong mối quan hệ giao ước với Đức Chúa Trời. Không thể giữ nỗi giao ước đó, người có thể là kẻ vô thần – nhưng người vẫn ở dưới sự rủa sả của Luật Pháp. Nếu bạn muốn biết những gì đã xảy ra với dân Do Thái, hãy đọc Lê-vi Ký đoạn 26 và Phục Truyền đoạn 28

    – toàn bộ lịch sử của họ được báo trước trong đó. Dân Do Thái đang gánh chịu sự rủa sả quốc gia bởi vì họ khước từ Chúa Jesus; họ đang gánh chịu sự rủa sả của Luật Pháp.

    Lúc Đền Thờ bị phá hủy, Tiên Tri Đa-ni-ên dự đoán rằng Đấng Mê-si sẽ đến và chết trước khi được ứng nghiệm. Vậy thì mỗi người Do Thái có một trong hai chọn lựa: Nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si, hoặc bắt đầu thực hành theo Do Thái giáo không phải Kinh Thánh. Toàn bộ tương lai đức tin Do Thái đến ngày nay đều đặt cơ sở trên hai bạn học cùng lớp nầy: Ra-bi Jochanan ben Zakkai và Ra-bi Sau-lơ, người Tạt-sơ.

    Kinh Talmud cho chúng ta biết, vào cuối đời Ra-bi Jochanan ben Zakkai đã khóc nức nở. Các môn đồ đến với ông và thưa, “Ôi Mighty Hammer, sao thầy khóc lóc? Cớ gì linh hồn thầy lại sờn ngã, khốn khó?” Ra-bi Jochanan ben Zakkai nói, “Ta sắp gặp Ha Shem – Đức Chúa Trời – phước hạnh thay Danh Ngài, và trước mặt ta là hai con đường: Một dẫn đến Paradise (Thiên Đàng), còn đường kia đến Gehenna (Địa Ngục); ta không biết đường nào Ngài sẽ tuyên án cho ta.” Người sáng lập Do Thái giáo Ra-bi thừa nhận rằng mình không có bảo đảm tuyệt đối về sự cứu rỗi. Ông bảo không biết Đức Chúa Trời sẽ tuyên án cho mình Địa Ngục về những gì ông làm, vào cuối đời ông sợ phải chết. Tất cả những người Do Thái theo sau ông cũng tương tự như vậy.

    Tuy nhiên, sau đó có Ra-bi Sau-lơ, người Tạt-sơ, nói vào cuối đời mình, “Rắc rối tôi không còn nữa, vì trên thân thể tôi mang đốt dấu vết của Đấng Christ, và tôi biết đặt trên tôi là mão triều thiên vinh hiển và công bình.” Ông đã có bảo đảm về sự cứu rỗi mình, và cũng vậy với mọi người Do Thái theo sau ông. Đó là những gì xảy ra trong đức tin người Do Thái, và sẽ xảy ra cho chính ngày nay.

    Ngay từ kỷ nguyên kinh Talmud, các nhà hiền triết biết Đấng Mê-si đến rồi. Họ kêu lên, “Tất cả kỳ hạn định trước cho Sự Cứu Chuộc đã trôi qua, và giờ đây vấn đề chỉ tùy thuộc vào sự ăn năn và việc lành.” – Sanhedrin 97 beht.* Họ đối mặt với các lời tiên tri chính đã qua kỳ hạn ứng nghiệm; Chúa Jesus, Đấng duy nhất tuyên bố mình là Đấng Mê- si, Đấng thật sự ở thời Ngài chứng minh là hậu tự Đa-vít. Điều nầy không chỉ được ghi lại trong Tân Ước, mà còn ở kinh Talmud Sanhedrin 43 aleph: “Với Yeshu (Chúa Jesus), đó là khác biệt: Ngài có kết nối với hệ thống lãnh đạo. Đây là cụm từ mơ hồ, thật sự lừa dối một số người rằng nó đề cập đến dòng dõi hoàng gia.” Đức Chúa Trời đã dành ra

    1.000 năm hứa với Áp-ra-ham và Đa-vít rằng Đấng Mê-si sẽ sinh ra từ họ; vì vậy, khi Chúa cho phép tất cả các gia phả bị tiêu hủy với Đền Thờ Thứ Hai, thật rõ ràng là Đấng Mê-si phải đến rồi. Do đó chúng ta đọc, “Và Hội Đồng Do Thái đã khóc: Oy vevoy, khốn thay cho chúng ta! Vì Đền Thờ bị phá hủy, và Đấng Mê-si không đến.” Chúng ta sẽ trở lại với điều nầy.

    *Tức là Sanhedrin 97b (beht là mẫu tự thứ hai trong bảng chữ cái Alphabet tiếng Hê-bơ-rơ, tương tự như chữ b), địa chỉ của câu ghi trong Kinh Talmud. Sanhedrin 43 aleph tức là Sanhedrin 43a (aleph, tương tự như chữ a). ND.

    Sáng Thế Ký 49:10: “Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chân nó, cho đến chừng Ðấng Si-lô hiện tới, và các dân vâng phục Ðấng đó.” Si-lô là một trong những nơi đặt Hòm Giao Ước, nhưng trở thành danh chung cho Đấng Mê-si ở Do Thái giáo. Mỗi chi phái Israel đều có quyền trượng riêng, là cây phủ việt (scepter) với tên chi phái được chạm trên đó. Điều nầy thể hiện quyền tư pháp. Do đó cây phủ việt bị dời khỏi khi Hê-rốt Đại Đế – không phải người Do Thái – trở thành vua và Hội Đồng Do Thái Sanhedrin bị giới hạn quyền lực; cả hai việc nầy xảy ra trong lúc Chúa Jesus còn sống trên đất. Tên “Si-lô” là Danh của Đấng Mê-si, theo kinh Talmud, Sanhedrin 98b.

    Theo lời tiên tri của Sáng Thế Ký 49:10, Đấng Mê-si phải đến trước khi cây phủ việt dời khỏi Giu-đa. Vì vậy, hoặc là Đấng Mê-si đã đến và đi, hay Đức Chúa Trời nói dối. Chúa không thể nói dối; do đó theo kinh Talmud bất kỳ Đấng Mê-si là ai, Ngài phải đến rồi vào thời điểm đó. Một lần nữa, kinh Talmud đề cập đến thể nào 40 năm trước khi Đền Thờ bị phá hủy, Hội Đồng Do Thái đã chuyển khỏi Phòng đá chạm đến một nơi bên ngoài; bạn có thể đọc điều nầy trong Sanhedrin 41a và ở Avodat Zerah 8b.